Giá tôm chạm đáy, người nuôi miền Tây 'treo' ao
Giá nguyên liệu tôm thấp nhất trong 10 năm qua, nhiều người nuôi ở các tỉnh miền Tây thua lỗ, phải bỏ nghề, vay nóng, bị đại lý thức ăn kiện ra toà.
Ông Lập cố gắng nuôi hai ao tôm sú cầm cự chờ giá. Ảnh: An Minh
Gần 20 năm nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Lập, 51 tuổi, tổ tưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Thành Công Mới chưa bao giờ thấy nghề nuôi tôm lao đao như hiện tại.
Ba năm nay, giá tôm lên xuống thất thường và giảm mạnh từ đầu năm. Hiện tôm sú loại 30 con mỗi kg giá 105.000-110.000 đồng, 20 con có giá khoảng 160.000 đồng, giảm 80.000-100.000 đồng so năm rồi; tôm thẻ loại 100 con giá 75.000 đồng mỗi kg, giảm từ 20.000-30.000 đồng so cùng kỳ.
Theo ông Lập, hiện gia đình giảm từ 8 ao trên diện tích 2 ha xuống nuôi hai ao nuôi cầm chừng. Những năm trước, nếu giá cả ổn định ông thu lợi nhuận 400-500 triệu đồng mỗi năm, nhưng ba năm nay chỉ toàn thua lỗ. Toàn ấp có hơn 700 hộ nuôi tôm song hiện treo ao khoảng 30%, số còn lại đều giảm diện tích.
Ông tính toán, cách đây bốn năm một ao tôm sú rộng 2.500 m2 tốn chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng; sau thu hoạch trung bình người nuôi lãi 50 triệu đồng. Trong khi hiện nay chi phí đầu tư một ao tương tự chừng 220-250 triệu đồng, với giá hiện tại thì đến cuối vụ nông dân chỉ thu về khoảng 100-120 triệu đồng, tức lỗ khoảng 100 triệu đồng.
"Thức ăn nuôi tôm chỉ lên chứ chưa bao giờ thấy xuống. Một bao loại 25 kg đang có giá hơn một triệu đồng, trong khi năm rồi chỉ hơn 800.000 đồng", ông Lập nói, cho biết đang nợ đại lý thức ăn khoảng 600 triệu đồng, vay nóng bên ngoài 400 triệu đồng.
Ông Khóa dọn dẹp thiết bị, hệ thống tạo ao oxy tôm khi quyết định dừng nuôi. Ảnh: An Minh
Có bảy ao nuôi tôm nằm cạnh diện tích của ông Lập, ông Trần Văn Khóa, 56 tuổi, cho biết ở đây nhiều người phải tạm bỏ nghề vì không thể cầm cự trước tình hình giá chạm đáy. Hai năm trước, ông quyết định giảm diện tích từ 7 ao, xuống 4 ao, rồi đến hai ao, nhưng tình hình không cải thiện. Tháng 3 năm nay, ông dừng nuôi tôm vì số tiền nợ đại lý thức ăn hơn 300 triệu đồng.
"Hiện đại lý đã kiện tôi ra tòa vì không trả tiền đúng cam kết. Gia đình tôi cũng mong muốn trả nợ nhưng không có khả năng", ông Khóa nói.
Để có tiền lo cho sinh hoạt hằng ngày, ông Khóa phải đi soi ba khía, kéo tôm thuê. "Ngày trước vợ chồng tôi làm đủ nghề, tích góp hơn 160 triệu đồng mua đất nuôi tôm, những tưởng sẽ đổi đời. Song, sau 17 năm với nhiều thăng trầm, tôi không những phải chạy ăn từng bữa, mà còn mắc nợ", ông Khóa cho biết.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng giá tôm hiện tại là thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, người nuôi đứng ngồi không yên. Những người đã thu hoạch xong đang phân vân là có thả nuôi tiếp hay là treo ao, chờ giá lên. Còn hộ còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá tôm giảm mạnh khiến người nuôi tôm không dám mạo hiểm thả giống vì sợ thua lỗ. Dự kiến năm nay ở tỉnh thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000 ha, song đến thời nay chỉ mới đạt hơn 70% diện tích. Người dân đang theo dõi giá tôm để quyết định thả giống hay không, một số diện tích được chuyển sang nuôi cá hoặc một số loài thủy sản khác.
Trước tình hình giá cả xuống thấp, một số nông dân chọn cách nuôi thưa để hạn chế rủi ro. Anh Nguyễn Văn Sang ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết tình hình giá cả giảm mạnh khiến anh phải giảm mật độ nuôi xuống phân nửa để bớt chi phí, tránh dịch bệnh, chờ xem giá cả thế nào ở những tháng cuối năm. Còn với giá hiện tại, ai càng nuôi nhiều càng thua lỗ lớn.
Nông dân nuôi tôm ở Cà Mau. Ảnh: An Minh
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng việc duy trì sản xuất của người dân mà còn tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu tỷ đô mà tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng kỳ vọng đối với ngành tôm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú, lo ngại về việc giá thành nuôi tôm của nông dân cao, trong khi giá mua thấp do thị trường sụt giảm khiến nhiều người bỏ nghề. Từ đó, ở những tháng cuối năm, nguồn nguyên liệu thiếu hụt, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến tôm.
Trong khi đó, ông Đào Văn Liêm, Giám đốc phát triển Farm, Công ty Công nghệ sinh học Trúc Anh (Bạc Liêu), nói để giúp nông dân vượt qua thời điểm "bão giá", ngành chức năng cần theo dõi, nắm bắt nhu cầu thị trường và có định hướng người nông dân. Chính quyền cần có những kế hoạch cụ thể về mùa vụ, cách nuôi đáp ứng nhu cầu, giúp người nuôi có lợi nhuận cao.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, giá tôm xuống thấp do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Về lâu dài, nông dân cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm hiệu quả, bền vững.
"Bà con nên có những lộ trình, kế hoạch theo mùa vụ và khuyến cáo của các cơ quan chức năng để sản phẩm đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp", ông Ly nói.
Ngành nông nghiệp các tỉnh miền Tây khuyến cáo người nuôi không nên lo sợ. Bà con tránh thu hoạch tôm ồ ạt, cần bình tĩnh đánh giá, chọn thời điểm thu hoạch. Tình hình xuất khẩu dự báo sẽ ổn định trở lại ở những tháng cuối năm.
Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu diện tích nuôi khoảng 750.000 ha, trong đó tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm các loại chừng một triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD.
Thông Tin Khác
Trong và Ngoài Nước
THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HOÀNG TRUNG THĂM CÔNG TY NAVETCO
3105-2024
Trong và Ngoài Nước
Nghiên cứu ước tính sự di chuyển của gia súc làm sáng tỏ nguy cơ mắc bệnh
0608-2015
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)