Giải pháp nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững?
Từ cuối năm 2016 đến nay, giá thịt lợn hơi sụt giảm mạnh, khiến người chăn nuôi thua lỗ, thậm chí không ít người phá sản. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện trạng trên? Và giải pháp nào để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đi tìm hiểu vấn đề này.
Khốn đốn vì giá thịt lợn... "tụt dốc"
Hiện giá thịt lợn hơi trong nước đang xuống ngưỡng thấp kỷ lục, chỉ từ 25.000-27.000 đồng/kg, thậm chí tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, giá lợn chỉ còn 20.000 đồng/kg. Theo ông Võ Anh Dũng, Công ty Nam Hà Nội, cho hay: Tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam-“thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, lợn có cân nặng từ 1 tạ/con trở lên giá bán chỉ 1,5 triệu đồng/con mà không bán được. Điều đáng lo ngại hiện nay khi sắp chuyển sang mùa hè, nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt lợn của người tiêu dùng trong nước sẽ giảm so với các mùa khác. Người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng thủy sản (cá, tôm), các loại thịt gia súc khác (trâu, bò, dê) và nguy cơ giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng xã hội. Người chăn nuôi sẽ tiếp tục thua lỗ, thậm chí phá sản.
http://file.qdnd.vn/data/images/0/2017/04/25/vuhuyen/2542017huyen51.jpg?w=500
Chăn nuôi lợn tại một trang trại ở Bắc Ninh.
Không chỉ các hộ chăn nuôi chịu thiệt hại khi giá lợn sụt giảm, ngay các đại lý bán thức ăn chăn nuôi cũng sẽ lao đao do giá thịt lợn hơi sụt giảm, nguồn vốn bị ứ đọng. Anh Lê Xuân Hoàng, chủ đại lý bán thức ăn chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội vẻ mặt rầu rĩ nói: Người chăn nuôi mua thức ăn về chăn nuôi nhưng hiện giờ họ thua lỗ như thế thì lấy gì trả cho chúng tôi. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc tôi cũng phải chuyển nghề mới để kiếm sống thôi.
Tại cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp ổn định phát triển ngành chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 24-4 vừa qua, giải thích về tình trạng giá thịt lợn hơi trong nước sụt giảm mạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân đầu tiên chính là do nguồn cung đang lớn hơn cầu. Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, quy mô vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô nhỏ lẻ. Có 3 triệu hộ nhỏ chăn nuôi (chiếm tỷ lệ lớn) khiến giá thành cao, khó kiểm soát chuỗi, các khâu tách rời khiến khi thị trường có sự cố thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Thêm vào đó, chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Chỉ một số doanh nghiệp chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán, tiêu thụ thịt lợn tươi là chính. Khâu tổ chức thị trường kém kể cả nội địa và xuất khẩu.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho rằng: Suốt 20 năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển là nhờ đã nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu với mức thuế 0% (một số nước như Trung Quốc thuế nhập khẩu nguyên liệu từ 10-15%). Hiện giờ, người chăn nuôi đang gặp khó khăn, do đó doanh nghiệp cần phải giúp đỡ, hỗ trợ, giảm giá thức ăn chăn nuôi, giống, thuốc thú y... Bởi vì, người chăn nuôi thua lỗ, phá sản không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng chăn nuôi cũng sẽ hứng chịu tổn thất.
http://file.qdnd.vn/data/images/0/2017/04/25/vuhuyen/2542017huyen52.jpg?w=500
Giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi thua lỗ. Ảnh chụp tại xã Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình.
Cần tìm giải pháp bền vững
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển ngành chăn nuôi. Đặc biệt, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt và phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ “thực phẩm bẩn” quay lại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: Về giải pháp lâu dài, Bộ NN&PTNT trình 3 giải pháp: Bộ sẽ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm tăng sức mua trong nước; đồng thời mở rộng xuất khẩu tới các thị trường còn nhiều tiềm năng.
Về quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, Bộ NN&PTNT đề xuất chủ trương giảm từ 4,2 triệu con lợn nái hiện nay xuống mức ổn định khoảng 3 triệu con lợn nái vào năm 2019. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh cơ cấu chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường, trong đó gia tăng phương thức chăn nuôi hữu cơ, bởi đây là thế mạnh của chăn nuôi quy mô nông hộ đang chiếm ưu thế hiện nay.
Giải pháp lâu dài là tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt của người chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi: Các doanh nghiệp cần “chia lửa” với người chăn nuôi, hy sinh bớt lợi nhuận để bảo vệ ngành chăn nuôi. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cung cấp lợn giống, thuốc thú y… nên giảm giá bán các mặt hàng để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Đây cũng là cách để bảo đảm cho các doanh nghiệp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, phân phối cần tăng cường thu mua chế biến thịt lợn, cấp đông bảo quản, nâng giá thu mua cho người chăn nuôi, giảm giá bán cho người tiêu dùng nhằm góp phần khuyến khích người tiêu dùng trong nước sử dụng thịt lợn.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)