Mở rộng liên kết sản xuất lớn
Điều đáng mừng là mô hình cánh đồng lớn không chỉ được thực hiện trên cây lúa mà đã lan sang nhiều cây trồng khác.
http://nongnghiep.vn//upload/2015/11/10/16-15-33_nh-so-ket-qd-62.jpg
Liên kết trong chăn nuôi cũng cần chính sách hỗ trợ
Ngày 10/11, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT và Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
Mới đạt 4% diện tích canh tác
Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2013 đến hết vụ đông xuân năm 2015 đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn (CĐL) được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích thực hiện liên kết lớn nhất là 450.000 ha. Một số mô hình thực hiện liên kết có hiệu quả như TCty Giống cây trồng Thái Bình, Cty TNHH Cường Tân (Nam Định), Cty CP Gentraco (Cần Thơ)… Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Cty CP BVTV An Giang) và TCty Lương thực Miền Nam đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển CĐL giai đoạn 2015-2020.
Nhìn chung, các mô hình CĐL đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân so với trước đây. Ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia trong CĐL có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20-25%, thu lời thêm từ 2,2-7,5 triệu đ/ha. Ở miền Bắc, các mô hình CĐL cho giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17-25%.
Tham gia CĐL, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các doanh nghiệp đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển.
Tình trạng thương lái đấu trộn các loại giống lúa để bán cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL.
Điều đáng mừng là mô hình CĐL không chỉ được thực hiện trên cây lúa mà đã lan sang nhiều cây trồng khác. Một số tỉnh đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp như ngô, lạc, chè, cà phê. Ở tỉnh Hòa Bình, mô hình CĐL thực hiện cho cây bí xanh mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn sản phẩm an toàn.
Tỉnh Nghệ An đã xây dựng 10 mô hình cho ngô, 8 mô hình cho lạc với diện tích lên đến hơn 1.000 ha. Tỉnh Quảng Bình xây dựng 435 ha diện tích CĐL cho cây ớt và 120 ha CĐL cho cây sắn. Còn theo ông Phạm Minh Báu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai, tỉnh này đã xây dựng được mô hình CĐL (ở Đồng Nai gọi là dự án liên kết sản xuất tiêu thụ) cho điều, ca cao, mía và cà phê.
Ông Báu cho biết thêm nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp là rất lớn, ngoài 4 dự án liên kết sản xuất tiêu thụ đã đi vào thực hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đăng ký thực hiện 35 dự án khác.
Ở các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, cũng đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn như Hùng Vương, Hùng Cá, Agifish, Minh Phú, Nam Việt… đã có liên kết với người nuôi thủy sản. Trong chăn nuôi, đã có nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp (chăn nuôi gia công), liên kết chăn nuôi – tiêu thụ, liên kết chăn nuôi – tiêu thụ thực phẩm sạch…
Tuy nhiên đến nay diện tích tham gia CĐL trên cả nước vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ đạt xấp xỉ 4% tổng diện tích canh tác. Một số tỉnh miền núi phía Bắc đến giờ vẫn chưa có mô hình CĐL nào. Tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức 20-30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%.
Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến. Nhìn chung tình tình triển khai thực hiện quy định trong QĐ 62 ở các địa phương diễn ra chậm, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Sau gần 2 năm thực hiện QĐ nhưng mới chỉ có gần 20% trong tổng số 63 tỉnh/thành ban hành chính sách CĐL và thành lập Ban chỉ đạo CĐL; mới có khoảng 15% số tỉnh đã phê duyệt quy hoạch/kế hoạch cánh đồng lớn. Đồng thời số lượng các dự án/phương án cánh đồng lớn được phê duyệt cũng còn quá khiêm tốn.
Cần sửa QĐ 62
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng QĐ 62 tuy mới thực hiện 2 năm, nhưng nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là việc các mô hình liên kết trong chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ bởi chưa được nhắc tới trong QĐ này.
Ông Nguyễn Trí Công, GĐ HTX Chăn nuôi Đồng Hiệp (Đồng Nai), cho hay, trong thời gian qua, HTX đã tạo được mối liên kết sản xuất – tiêu thụ với các hộ xã viên khi làm tốt các dịch vụ đầu vào và cả đầu ra. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng sản xuất – tiêu thụ với các hộ, họ đều yêu cầu HTX phải đầu tư 30% tổng vốn sản xuất. Các hộ tham gia HTX đều là những hộ chăn nuôi lớn, mỗi lứa heo tiền vốn bỏ ra bình quân cả tỷ đồng.
Vì thế, chỉ cần ký hợp đồng với 20 hộ, HTX phải cần tới một nguồn vốn khá lớn. Nhưng đi vay ngân hàng thì rất khó khăn, khi mà liên kết chăn nuôi chưa được hỗ trợ theo QĐ 62. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, trong ngành thủy sản đã có nhiều mối liên kết nhưng còn mỏng và lỏng lẻo, mà một nguyên nhân quan trọng là QĐ 62 chỉ đang bó hẹp trong trồng trọt.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, TGĐ TCty Lương thực Miền Nam, việc thực hiện QĐ 62 sở dĩ còn chậm, có nguyên nhân quan trọng là hầu hết các tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm đều vẫn đang cần sự hỗ trợ ngân sách từ TƯ. Vì thế, khả năng hỗ trợ tài chính cho các mô hình liên kết, CĐL bị hạn chế. Vì vậy, theo ông Năng, QĐ 62 có thể mở rộng hỗ trợ sang chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… nhưng các chính sách hỗ trợ chỉ nên tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đầu vào và hỗ trợ đầu ra.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho rằng đến nay, tình hình phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng CĐL trong thực tiễn sản xuất vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn. Tốc độ mở rộng diện tích CĐL còn chậm.
Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp. Chưa thống nhất về nội dung thực hiện mô hình CĐL. Nhiều doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện tài chính để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Hạ tầng phục vụ sản xuất còn thấp kém, các địa phương thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ theo QĐ 62. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó khăn.
Hệ thống thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống thương lái. Ở nhiều nơi không có các tổ chức nông dân như THT, HTX, hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn.
Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ có nghiên cứu, đánh giá việc triển khai QĐ 62 ở tất cả các tỉnh, TP, qua đó có thể biết được sau 2 năm triển khai, QĐ này có tính khả thi, hiệu quả đến đâu. Thứ trưởng cũng đồng ý rằng phải sửa lại QĐ 62 và nên chăng có thể nâng lên thành một Nghị định khi mà các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đã không chỉ gói gọn trong lĩnh vực trồng trọt mà đang xuất hiện ngay càng nhiều trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp quan trọng khác như chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Theo báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)