Heo ‘an thần’ dính thêm lở mồm long móng!
“Chi cục Thú y TP.HCM nhận trách nhiệm khi để vụ việc đáng tiếc xảy ra” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM.
Sáng 1-10, liên quan tới vụ tiêm thuốc an thần cho heo xảy ra tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), một nguồn tin cho biết do mức độ vụ việc nghiêm trọng nên những đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều heo chưa thải hết thuốc an thần
Sáng cùng ngày, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết chi cục đã gửi báo cáo khẩn vụ việc tiêm thuốc an thần cho heo tới lãnh đạo UBND TP.HCM. Chi cục cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo những bước thực hiện tiếp theo.
http://image.plo.vn/w800/uploaded/thanhtung/2017_10_02/13-heo-an-than_saxy.jpg
Một số đối tượng sử dụng thuốc an thần Combistress để tiêm cho heo trước khi giết mổ. Ảnh: THÚ Y TP.HCM
“Thực tế cho thấy không phải nhân viên thú y tại cơ sở giết mổ Xuyên Á giám sát các đối tượng tiêm thuốc an thần mà chính các đối tượng này giám sát nhân viên thú y. Do vậy, nhân viên thú y khó phát hiện hành vi tiêm thuốc an thần cho heo. Tuy nhiên, Chi cục Thú y TP.HCM nhận trách nhiệm khi để vụ việc đáng tiếc xảy ra” - ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, đêm 30-9, Chi cục Thú y TP.HCM đã lấy mẫu nước tiểu của hơn 3.700 con heo có chứa tồn dư thuốc an thần để kiểm định lại. Kết quả vẫn còn nhiều mẫu nước tiểu chứa thuốc an thần nên heo tiếp tục bị giữ lại. “Do lượng heo bị giữ lại quá nhiều nên thiếu chuồng nhốt. Vì vậy, đêm 30-9, chỉ khoảng 2.000 heo được đưa vô cơ sở Xuyên Á giết mổ rồi chuyển tới chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM)” - ông Thảo cho biết.
“Không chỉ cơ sở giết mổ Xuyên Á, Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị các cơ sở giết mổ khác trên địa bàn TP.HCM gắn camera để giám sát mọi hoạt động tại đây” - ông Thảo cho biết thêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đề nghị các điểm bán thuốc Combistress cảnh giác người mua với số lượng nhiều. Đồng thời báo cho cơ quan chức năng để giám sát.
Ông PHẠM TIẾN DŨNG, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT
Biết cấm vẫn làm
Đến nay Bộ NN&PTNT xác định 13 chủ heo có heo “dính” thuốc an thần. Trong đó có hai chủ heo mặc dù cam kết không tiêm thuốc an thần nhưng kết quả xét nghiệm ghi nhận heo của hai người này chứa tồn dư thuốc.
PV Pháp Luật TP.HCM cố gắng liên lạc một trong 13 chủ heo nói trên để tìm hiểu thêm thông tin. Người này cho biết qua giao dịch làm ăn, các chủ heo kháo nhau nếu tiêm thuốc an thần Combistress cho heo thì các mạch máu sẽ co lại khiến thớ thịt hồng hào, bắt mắt. Các chủ heo còn giới thiệu điểm bán thuốc Combistress nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. “Biết rằng tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ là sai nhưng các chủ heo khác làm mà tôi không làm thì thịt sẽ khó bán. Giờ xảy ra chuyện có hối hận cũng không kịp” - người này bày tỏ.
Mặc dù PV cố gặng hỏi việc tiêm thuốc an thần cho heo thực hiện bao lâu nhưng người này từ chối trả lời. “Nói thiệt với anh, tôi bán thịt heo nhưng tôi ít khi nào ăn thịt heo khi bắt đầu xảy ra hiện tượng tiêm thuốc an thần cho heo” - người này nói.
Qua tìm hiểu, PV được biết mỗi ngày thương lái đưa heo sống vào cơ sở giết mổ Xuyên Á từ 9 giờ đến 21 giờ 30. Khoảng năm giờ sau, heo được đưa vào giết mổ.
Một nguồn tin cho biết hiện dịch bệnh lở mồm long móng đang xảy ra tại 3.700 con heo tạm giữ do “dính” thuốc an thần. Trong ngày, Chi cục Thú y TP.HCM đã tiến hành tiêu hủy hàng trăm con. Tuy nhiên, do công suất tiêu hủy heo của Nhà máy xử lý chất thải nguy hại Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có hạn nên ngày 2-10 nơi đây tiếp tục tiêu hủy lượng heo bị lở mồm long móng còn lại.
Quản lý của cơ sở giết mổ Xuyên Á xác nhận thông tin trên là đúng. Người này còn cho biết sẽ nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera tại cơ sở để giám sát hoạt động giết mổ của các thương lái.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)