Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp
Khoa học và công nghệ đã và đang có những đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.
../tmp/moveData-Navetco/FromOtherLink/img_8959_sualai-14_47_14_533.jpg
Ứng dụng KH&CN trồng rau sạch tại nhiều địa phương. (Ảnh: Bích Liên)
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nay KH&CN đã có những bước phát triển vượt bậc làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp.
Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, KH&CN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Điều này được thể hiện cụ thể qua việc tăng giá trị và sản lượng nông sản tại các địa phương.
Điển hình như tại Bắc Giang, KH&CN thực sự là một trong những giải pháp, công cụ đóng góp tích cực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Khẳng định điều này, ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN bốn bên giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giai đoạn 2014-2020. Chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động KH&CN tỉnh.
Tính đến nay, Bắc Giang đã có 71 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 163 cánh đồng mẫu, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 48.300 ha. Trong đó, nhiều mô hình có quy mô lớn với hàng chục ha như: Rau chế biến, rau an toàn 6.880 ha, cam 4.104 ha, bưởi 3.819 ha... Với 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận, nhờ đóng góp của KH&CN, hàng năm đã tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Nói về việc tăng giá trị sản lượng của cây vải thiều, ông Dương Văn Thái cho biết, với diện tích gần 29.000 ha, sau khi được tăng cường ứng dụng KH&CN, diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh tăng từ 1.000 ha lên đến 13.500 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 218,5 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất. Nhờ đó, chất lượng vải được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cũng nhờ triển khai ứng dụng các công nghệ cao trong bảo quản nông sản như: Công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ bảo quản của Công ty Jural - Israel, công nghệ bảo quản bằng màng MAP... đã tăng được thời gian lưu giữ các sản phẩm nông sản, đảm bảo chất lượng, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu hơn 30 nước trên thế giới. Năm 2017 từ cây vải thiều đã cho thu nhập 5.300 tỷ đồng, năm 2018 là 5.800 tỷ đồng.
Hay với sản phẩm gà đồi Yên Thế, từ việc được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mà quy mô, số lượng đàn gà tăng đáng kể với hơn 18 triệu con/năm, chất lượng gà được nâng lên. KH&CN cũng giúp các sản phẩm chế biến từ gà Yên Thế đạt Cúp Chứng nhận sản phẩm thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á và được bảo hộ tại 3 quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore)...
Không chỉ Bắc Giang, Kiên Giang cũng là tỉnh có nhiều nông sản có giá trị đạt sản lượng cao trong năm qua nhờ ứng dụng KHCN trong sản xuất. Theo báo cáo của Sở KH&CN Kiên Giang, từ năm 2016 đến nay, mặc dù gặp thiên tai, dịch bệnh nhưng năng suất lúa của tỉnh vẫn đạt bình quân hơn 6 tấn/ha, sản lượng lúa trên 4 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% trở lên. Đặc biệt, ngành KH&CN hỗ trợ nghiên cứu thành công việc chọn, tạo, nhân nhiều giống lúa bằng các phương pháp hiện đại trong công nghệ sinh học như: nuôi cấy mô, nuôi cấy túi phấn… có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, bệnh đạo ôn, năng suất cao bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.
Đối với lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ha nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, năng suất 30 - 50 tấn/ha; gần 1.000 ha nuôi tôm bán thâm canh, năng suất 1,5 tấn/ha…
Sở KH&CN tỉnh cũng cho biết, tiếp tục triển khai nhiệm vụ để hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra đến năm 2020, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật; công nghệ sau thu hoạch; chế biến và nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm đặc trưng; phân tích, kiểm nghiệm hàng hóa.
Trong khi đó, khẳng định KH&CN đóng góp đắc lực cho tỉnh nhà, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cho biết: Hà Tĩnh được coi là một trong những tỉnh thành công nhất trong xây dựng tiềm lực của các đơn vị sự nghiệp KH&CN và thực hiện chủ trương chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng các chủ trương, chính sách về đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xây dựng tiềm lực KH&CN của địa phương. Các chương trình, đề án, đề tài, dự án KH&CN đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đã góp phần rất thiết thực và có hiệu quả phục vụ các chương trình kinh kế - xã hội của tỉnh.
Ông Đỗ Khoa văn cũng cho biết, KH&CN đã “đồng hành” cùng sự phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương, từng bước đạt mục tiêu nhiệm vụ ngành KH&CN đề ra, KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu đóng góp mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)