Khơi thông dòng vốn tín dụng cho ngành cá tra
Xác định việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thực hiện nghiêm các chính sách tín dụng đối với ngành hàng cá tra, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi, doanh nghiệp (DN) vay vốn.
NHNN đã triển khai sâu rộng các văn bản hướng dẫn việc cho vay tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi thủy sản đến các NHTM trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, dư nợ tín dụng đối với ngành cá tra trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Theo NHNN, từ năm 2012 đến nay, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực này đều tăng. Riêng năm 2012, dư nợ tăng lên 1.965 tỷ đồng, tăng 55,31% so với năm 2011, do NHNN-ĐT đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản...
http://baodongthap.com.vn/database/image/2015/03/23/t%204-1.jpg
Thu hoạch cá tra
Từ năm 2012, diện tích treo ao ngày càng nhiều, hộ nuôi và DN gặp khó khăn trong việc vay vốn, trả nợ ngân hàng, nợ xấu tăng... Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân, hộ sản xuất còn quen sản xuất riêng lẻ, tự phát và chưa thấy rõ hiệu quả của sự liên kết trong sản xuất; tình trạng phá vỡ hợp đồng mua bán giữa DN và nông dân diễn ra ngày càng nhiều; cơ chế, chính sách chưa thật sự hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN cùng tham gia liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Trước thực trạng này, từ cuối năm 2013, NHNN - ĐT đã nghiên cứu và đề xuất đến các đoàn khảo sát của NHNN Việt Nam, bộ, ngành Trung ương về việc cho vay thực hiện mô hình liên kết chuỗi đối với ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề xuất thực hiện thí điểm cho vay liên kết chuỗi cá tra đối với Công ty TNHH Hùng Cá theo mô hình: Ký kết hợp đồng mua bán thức ăn 3 bên. Cụ thể, giữa Công ty CP thức ăn thủy sản Hùng Cá (Công ty TĂTS Hùng Cá), hộ nuôi và Công ty TNHH Hùng Cá với nội dung: Công ty TĂTS Hùng Cá bán thức ăn cho hộ nuôi, Công ty TNHH Hùng Cá thu mua cá của hộ nuôi theo giá thị trường, thanh toán tiền mua thức ăn cho Công ty TĂTS Hùng Cá trong trường hợp hộ nuôi không thanh toán. Hợp đồng liên kết nuôi thủy sản: Công ty đầu tư ao nuôi, con giống, thức ăn, chi phí cho hộ nuôi cá, chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi và các quy định của Nhà nước về môi trường; hộ nuôi chịu trách nhiệm nuôi và chăm sóc cá; hộ nuôi được chia phần lời/lỗ theo tỷ lệ: Công ty 75%, hộ nuôi 25%.
Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty TNHH Hùng Cá với nhu cầu vốn được duyệt là 1.407 tỷ đồng do Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHCT-ĐT) cho vay.
Về hiệu quả mang lại từ nguồn vốn cho vay thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra của nhóm Công ty TNHH Hùng Cá: Dư nợ cho vay đến 31/12/2014 là 1.045,86 tỷ đồng, đạt 74,33% hạn mức được phê duyệt. Đối với 306 hộ dân thực hiện mô hình liên kết nuôi: sản lượng cá dự kiến thu mua khi thu hoạch 240 tấn/ha/năm, lợi nhuận chia cho hộ dân ước tính 70 tỷ đồng/năm (theo đề án); đối với 20 hộ dân thực hiện mô hình liên kết 3 bên (cung ứng thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật), lợi nhuận chia cho 20 hộ dân ước tính 29 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Quế - Phó Giám đốc NHNN-ĐT, hiệu quả mang lại cho nông dân khi tham gia liên kết với DN không dừng ở mức lợi nhuận sau mỗi mùa vụ, quan trọng nhất là người dân không phải lo về nguồn vốn đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y... và đầu ra của con cá do DN bao tiêu sản phẩm. Qua đó, thúc đẩy khu vực nông nghiệp nông thôn phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới và góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nói riêng, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước nói chung.
theo Báo Đồng Tháp
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)