Khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại trên đàn vật nuôi
Ngày 13-2-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Để đạt mục tiêu đề ra cần có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và tổ chức quốc tế để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
http://nhandan.com.vn/cdn/vn/media/k2/items/src/3326/d6749f34e0c1dd17dfc42a0a4918630f.jpg
Nhân viên thú y tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi tại Vĩnh Phúc. Ảnh: DƯƠNG MINH
Phòng, chống thụ động
Theo Cục Thú y, bệnh dại là bệnh do vi-rút hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính, và lây truyền giữa động vật (chủ yếu từ chó, mèo) sang người, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Hiện, cả nước có hơn tám triệu con chó nuôi, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn để giữ nhà, giữ vườn, nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin dại trên tổng đàn chó thấp. Cả nước chỉ có 17 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 70%; 10 địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 50 đến 69%; 36 tỉnh, thành phố đạt dưới 50%, và đặc biệt có tám tỉnh tiêm phòng đạt dưới 10% tổng đàn chó.
Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa đạt yêu cầu tối thiểu (hơn 70%), trước hết là do thói quen của người nuôi. Nhất là khu vực nông thôn, chó thường được nuôi thả rông để giữ nhà, giữ vườn, hay nuôi mèo để bắt chuột… nên việc quản lý, thống kê các hộ nuôi chó và số lượng chó nuôi tại địa bàn khó khăn, nhiều xã không có danh sách hộ nuôi chó. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại chưa được thường xuyên, liên tục dẫn đến nhiều người còn chủ quan với bệnh, không nắm rõ các quy định của Nhà nước về nuôi chó, về các hành vi vi phạm và mức xử phạt vi phạm trong phòng chống bệnh dại động vật. Kiến thức cơ bản về tính chất nguy hiểm của bệnh và cách phòng chống bệnh dại của chính quyền địa phương và người dân ở nhiều nơi còn thấp, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm trong quản lý đàn chó và thiếu hợp tác trong việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nuôi. Khi xuất hiện dịch dại, công tác xử lý ổ dịch chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ tổ chức tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch; nuôi nhốt hoặc xích chó trong thời gian có dịch. Hệ thống quản lý, báo cáo và giám sát về dịch bệnh dại ở đàn chó trên toàn quốc vẫn còn hạn chế, chưa lấy mẫu thường xuyên giám sát chủ động trên động vật. Số liệu người tiêm vắc-xin phòng dại chưa phản ánh đúng tình hình người bị chó nghi dại cắn, do trên thực tế vẫn có những người bị chó cắn mà không đi đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng dại, mà tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để điều trị.
Năng lực chẩn đoán bệnh dại còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có năm phòng thí nghiệm được công nhận đủ khả năng chẩn đoán bệnh dại. Sự phối hợp giữa hai ngành y tế và thú y theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT- BYT- BNNPTNT tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả. Việc thu thập mẫu bệnh phẩm lâm sàng cho chẩn đoán phòng thí nghiệm bệnh dại ở động vật còn rất khó khăn. Có những trường hợp bệnh dại trên người chủ yếu được chẩn đoán dựa theo triệu chứng lâm sàng và tiền sử phơi nhiễm trước đó, chỉ có khoảng 5 đến 10% số bệnh nhân chết hằng năm được chẩn đoán bằng xét nghiệm.
Nhân rộng mô hình quản lý vật nuôi
Để từng bước ngăn chặn, tiến tới khống chế và loại trừ bệnh dại, từ năm 2014 đến nay, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) đã phối hợp với Cục Thú y triển khai Dự án “Tăng cường năng lực thể chế và Cải thiện sự hợp tác liên ngành, phối hợp và truyền thông để phòng chống và kiểm soát bệnh dại có hiệu quả ở Việt Nam”.
Cục Thú y và FAO hỗ trợ 12 huyện thuộc hai tỉnh Phú Thọ và Thái Nguyên là địa phương có nguy cơ cao về bệnh dại, tổ chức tuyên truyền, thông tin về phòng, chống bệnh dại cho gần 20 nghìn giáo viên, học sinh và phụ huynh ở 30 trường tiểu học và trung học của hai tỉnh; đồng thời mở 12 lớp hội thảo truyền thông về phòng chống bệnh dại cho sáu huyện mô hình và sáu huyện ngoài mô hình, với trên 300 thầy lang tham dự. Thông qua đó các thầy lang hiểu biết thêm về sự nguy hiểm của bệnh dại và cam kết không dùng thuốc nam để chữa bệnh mà hướng dẫn người bị chó cắn cách xử lý vết thương ban đầu, khuyến cáo đến Trung tâm y tế huyện để được điều trị và tư vấn.
Tổ chức FAO phối hợp Cục Thú y và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên xây dựng mô hình quản lý chó nuôi tại thị xã Phổ Yên và huyện Đồng Hỷ. Để các mô hình quản lý đạt hiệu quả cao, các đơn vị đã tổ chức Hội nghị chính sách ở hai huyện, thị xã với sự tham gia của hơn 80 đại biểu, thông qua 12 hội thảo để tập huấn cho hơn 900 trưởng thôn và cán bộ thú y huyện, thú y cơ sở và cán bộ nông nghiệp xã về công tác phòng chống bệnh dại và quản lý đàn chó nuôi tại 36 xã, phường.
Thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị đã giúp lãnh đạo và các ban, ngành, lãnh đạo UBND các xã, phường thấy được tầm quan trọng của công tác triển khai quản lý đàn chó nuôi. Các trưởng thôn được nhân viên FAO và thú y cơ sở xây dựng, hướng dẫn quản lý đàn chó nuôi với các biểu mẫu, sổ sách quản lý phù hợp, thuận tiện, có thể theo dõi đàn chó tăng giảm, thực hiện tiêm phòng đại trà và tiêm phòng bổ sung tạo miễn dịch cho đàn chó, phát hiện sớm các ca bệnh dại để kịp thời ứng phó.
Theo Tổ chức FAO từ hai mô hình thí điểm ở Thái Nguyên, sẽ giúp Cục Thú y triển khai nhân rộng trên toàn quốc, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)