Kỳ vọng từ con tôm, con cá
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2016, ngành nông nghiệp cần lựa chọn ngành hàng có lợi thế xuất khẩu và khai thác thị trường mới. Trong đó, lĩnh vực được coi là còn dư địa phát triển sản xuất lớn nhất hiện nay chính là thủy sản.
Thách thức từ thiếu hụt nguyên liệu
Theo ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, để lấy lại đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần mở rộng diện tích, thâm canh, rải vụ, tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các loại nông sản có thế mạnh. Trong đó, lợi thế để tăng trưởng hiệu quả nhất hiện nay chính là thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiếp đến là cây trồng đặc sản (rau và trái cây), phát triển kinh tế rừng.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản cả nước có những tín hiệu đáng mừng khi đem về cho đất nước hơn 3,15 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa thực sự khởi sắc do phải đối mặt với nhiều khó khăn từ biến đổi khí hậu, ngập mặn và nắng nóng kéo dài, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm môi trường...
Người dân xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) thu hoạch cá nước ngọt. Ảnh: Minh Huệ
Đặc biệt, việc thiếu hụt nguyên liệu thủy sản ngày càng gay gắt hơn trong những tháng gần đây, khiến nhiều nhà máy chế biến ở khu vực phía Nam chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất.
Tình trạng này dẫn đến các doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu lên đến hàng trăm triệu USD để phục vụ chế biến, kinh doanh. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã nhập nguyên liệu thủy sản từ 75 nước và lãnh thổ để phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu, với tổng giá trị nhập khẩu 485 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 37%, sau đó là cá ngừ chiếm 17%...
Việc nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu, không chỉ khiến doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí, doanh thu sụt giảm mà còn bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang trông mong vào vựa tôm 560.000ha ở ĐBSCL. Hiện các đầm nuôi tôm đang bước vào sản xuất, nếu thuận lợi, ngành sản xuất tôm sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm trong lĩnh vực trồng trọt vừa qua.
Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL hiện đang khan hiếm con giống, nếu không kiểm soát tốt, thủy sản sẽ không những không hỗ trợ được ngành tăng trưởng mà còn làm mất thị trường xuất khẩu.
Đáng chú ý, sự cố môi trường do Formosa gây ra đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở miền Trung. Ông Trần Đình Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết, công ty thành lập 23 năm nay, chuyên xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản và chưa bao giờ phải ngừng hoạt động. Nhưng riêng năm nay công ty phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu (sản lượng chế biến 6 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước). Đáng nói là vấn đề thiếu nguyên liệu có nguy cơ kéo dài, do tâm lý của người dân lo sợ không bán được hàng...
“Chăm sóc” mạnh hơn cho lĩnh vực mũi nhọn
Phía VASEP mới đây cũng dự báo nguồn cung tôm và cá tra nguyên liệu sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm nay do ảnh hưởng thời tiết bất lợi từ đầu năm. Tuy nhiên, với sự hồi phục nhu cầu thị trường đối với mặt hàng tôm và cá tra, VASEP dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2016 vẫn sẽ tăng khoảng 8%, đạt 7,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD, tăng 10%; cá tra 1,6 tỷ USD, cá ngừ 500 triệu USD…
Về điều này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhận định, thế mạnh đầu tiên của thủy sản là đối tượng tôm nuôi nước lợ. Có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng chất lượng và giá trị, đồng thời sử dụng mọi biện pháp giảm giá thành, góp phần lấy lại đà tăng trưởng của toàn ngành.
"Riêng con tôm sú, chúng ta có thể đầu tư phát triển vì thị trường còn rất rộng. Còn tôm thẻ chân trắng, do phải cạnh tranh với nhiều nước khác nên chúng ta phải nâng cao chất lượng và giảm giá thành. Đặc biệt, không để tồn dư lượng kháng sinh cũng như hóa chất cấm, đồng thời tăng cường mở rộng thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Bộ Công thương cũng dự báo, nếu xét theo chu kỳ thì xuất khẩu trong các tháng cuối năm luôn cao hơn những tháng đầu năm khoảng 10%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng bắt đầu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới ký kết, giúp hàng nông lâm thủy sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, mặt hàng thủy sản dự kiến xuất khẩu cả năm 2016 đạt kim ngạch khoảng 7,12 tỷ đô la Mỹ, tăng 8% so với năm 2015.
Trước đây Việt Nam chỉ có 3 thị trường xuất khẩu thủy sản chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thì nay có thêm Trung Quốc (chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản). Hiện Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang 144 thị trường, trong đó có 5 thị trường lớn nhất chiếm hơn 70% tổng kim ngạch gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)