Lợn giống hỗ trợ cho hộ nghèo bị chết hàng loạt tại Hà Tĩnh
Sau vài tuần, kể từ khi nhận lợn giống từ chính quyền, hơn 200 hộ nghèo ở xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bất ngờ khi lợn bỗng nhiên bị tiêu chảy, bỏ ăn, lông dựng đứng rồi chết hàng loạt.
Khi lợn có dấu hiệu ốm, người dân đã báo chính quyền địa phương, thế nhưng, cuối cùng, lợn vẫn chết. Sự việc này đang khiến dư luận ở Hà Tĩnh hết sức bức xúc. Nhiều người cho rằng, chính quyền phát lợn “bệnh” cho các hộ nghèo. Có hay không sự việc này, phóng viên đã vào cuộc để tìm hiểu.
Một con lợn giống UBND xã Hương Giang phát cho các hộ nghèo. Ảnh: Vnexpress.
Nghi án cấp lợn “bệnh” cho người nghèo
Sau khi nghe phản ánh của người dân, phóng viên đã trực tiếp về địa phương để tìm hiểu. Theo quan sát của phóng viên, ngoài số lượng lợn chết chính quyền địa phương đã thống kê thì hiện nay nhiều con lợn đang có biểu hiện tiêu chảy, thở khò khè, dựng lông. Và, người dân nghèo chưa được hưởng thụ từ chính sách này đã phải chi tiền, mua thuốc về chữa trị cho lợn.
Được biết, xã Hương Giang là một trong những xã có tỉ lệ hộ nghèo rất cao ở huyện và tỉnh. Để xóa nghèo, cuối năm 2015, thực hiện chương trình 135 về việc hỗ trợ, phát triển sản xuất cho hộ nghèo và cận nghèo, xã Hương Giang đã làm tờ trình lên UBND huyện, đề xuất đầu tư dự án cấp lợn và phân bón cho bà con phát triển sản xuất. Dự án đó được huyện chấp nhận và cho xã triển khai. Ngày 17/3/2015, UBND huyện Hương Khê đã ban hành Quyết định số 924/QĐ - UBND về việc phân bố ngân sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi thuộc chương trình 135 cho xã Hương Giang với số tiền là 348 triệu đồng. Sau khi được phân khai nguồn vốn, UBND xã Hương Giang đã mời các hộ dân (hộ nghèo và cận nghèo) đến hội trường xã lựa chọn nội dung thực hiện. Kết quả, các hộ cận nghèo đề nghị xã hỗ trợ phân bón (NPK) để thâm canh sản xuất, các hộ nghèo đề nghị hỗ trợ lợn nái giống sinh sản để tăng thu nhập.
Sau khi dự án được triển khai, nhiều hộ nghèo trong xã tỏ ra rất vui mừng. Theo đó, 141 hộ nghèo được nhận 141 con lợn Móng Cái từ một trại giống ở Nghệ An, giá 1- 1,5 triệu đồng/con, nặng từ 10 – 12kg. Các hộ cận nghèo còn lại được nhận phân bón. Người dân vô cùng phấn khởi khi họ được chính quyền quan tâm để thoát nghèo. Theo tài liệu, nguồn lợn giống được UBND xã Hương Giang đã ký hợp đồng với trạm Giống chăn nuôi huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhận lợn giống từ ngày 21/12/2015, chỉ vài tuần sau, 61 con lợn đi ngoài, thở khò khè, lông dựng đứng, thường xuyên bỏ ăn rồi chết. “Chúng tôi không thể tin, lợn lại bị bệnh và chết nhanh như vậy. Một đến 2 con chết thì nói là lý do chăm sóc không tốt, đằng này, 61 con đã chết... và chắc chắn còn nữa. Chúng tôi thật sự rất hoang mang và bức xúc”, anh Nguyễn Văn T., một hộ nghèo nhận được lợn hỗ trợ của chính quyền xã Hương Giang.
Lỗi do thời tiết thì đơn giản quá
Lãnh đạo xã Hương Giang cũng thừa nhận, lợn chết là có thật. Chủ yếu là bị tiêu chảy. Trao đổi về vụ việc này, ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Giang, khẳng định: “Sau khi ký hợp đồng, tôi cùng với cán bộ khuyến nông và kế toán trực tiếp ra trạm giống Đô Lương để xem và chọn lợn, tại thời điểm bàn giao tất cả 141 con lợn đều khỏe mạnh, có đầy đủ giấy chứng nhận tiêm phòng vắc-xin theo quy định”.
Trong báo cáo của UBND xã Hương Giang gửi các cơ quan chức năng xác định: Ngày 31/12/2015, một số hộ dân tại xóm 1, xóm 2 và một số đơn vị khác báo lên xã là lợn bị ốm, UBND xã đã cử cán bộ thú y xuống tận hộ kiểm tra, đồng thời đề nghị đơn vị cung ứng giống cử cán bộ kỹ thuật về hỗ trợ. Tổng hợp, xác định 61/141 con lợn nái bị chết, nguyên nhân lợn chết được chính quyền địa phương bước đầu kết luận là do đợt rét hại kéo dài, chế độ thức ăn, môi trường sống và chăm sóc của nhân dân không phù hợp.
Một điều bất thường trong vụ việc này là dù được chăm sóc như nhau, cùng nhau vượt qua đợt rét cuối năm 2015 (Âm lịch) nhưng chỉ có những con lợn của dự án bị chết, còn các con lợn khác do các hộ nghèo nuôi vẫn bình thường. “Khoảng 7 ngày, từ khi nhận về nuôi, lợn xuất hiện sốt, thở khò khè, bỏ ăn, tiêu chảy rồi lăn đùng ra chết. Mặc dù, gia đình chúng tôi đã tốn nhiều công sức và thuốc men nhưng vẫn không cứu sống được lợn. Vì sợ bệnh dịch sẽ lây sang vật nuôi khác chúng tôi buộc phải tiêu hủy”, bà Võ Thị Th., trú tại xóm 5, xã Hương Giang cho biết.
Còn chị T., chủ hộ nghèo khác trình bày: “Khi nhận được lợn của dự án, chúng tôi rất vui mừng vì nhờ vào đó chúng tôi sẽ phát triển được kinh tế. Ai ngờ nhận giống về được một thời gian lợn có dấu hiệu bệnh. Hiện, lợn của tôi vẫn chưa chết nhưng chúng có dấu hiệu tiêu chảy, thờ khò khè,... Mặc dù đã gọi bác sỹ thú y đến chữa trị nhưng không có tiến triển gì. Không biết có thể duy trì được lâu không, đã vậy, tiền chữa trị tốn kém vô cùng”.
Việc lợn vừa được Nhà nước hỗ trợ bỗng nhiên bị lăn ra chết hàng loạt khiến các hộ nghèo sợ dịch bệnh từ những con lợn bị chết lây lan sang lợn lành và những vật nuôi khác. Sau khi lợn chết hàng loạt, UBND xã Hương Giang đã “thương lượng” và được trạm Giống chăn nuôi Đô Lương đồng ý hỗ trợ cho người dân có lợn bị chết 400 nghìn đồng/con. Tuy nhiên, số tiền này chưa bằng một phần ba giá trị con lợn giống mà Nhà nước đã cấp cho dân nghèo mà theo người dân, chưa đủ số tiền họ mua thuốc về điều trị cho lợn từ khi lợn ốm. “Toàn bộ số lợn giống bị chết đã được chính quyền địa phương tập trung thiêu hủy theo quy định”, ông Phan Đình Hùng cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tiến Đài, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê khẳng định: “Huyện đã nắm được tình hình, nguồn vốn này do tỉnh Hà Tĩnh cấp để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất còn giống lợn nái do xã làm hợp đồng. Nguyên nhân lợn chết ban đầu được cho rằng do gặp thời tiết khắc nghiệt nên lợn bị chết. Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân”.
Lợn giống vừa cấp cho hộ nghèo tại xã Hương Giang đã lăn ra chết đồng nghĩa với người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn. “Hiện giờ chúng tôi bức xúc và lo lắng lắm. Không biết có bao nhiêu con lợn sẽ chết nữa. Đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ để người dân bớt hoang mang và bức xúc. Chúng tôi thật sự “ngán” trước lợn dự án dành cho hộ nghèo” bà V., người dân xã Hương Giang nói. Chi ra hàng trăm triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước để đổi lấy hậu quả như thế này, trách nhiệm thuộc về ai? Đây đang là một câu hỏi lớn được dư luận quan tâm. Hy vọng lực lượng chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Lợn của dự án dành cho người nghèo chết hàng loạt, một số con còn sống cũng đang bị ốm.
Theo báo ĐS&PL
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)