Quản lý chặt thức ăn chăn nuôi
Công nghiệp thức ăn chăn nuôi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển chăn nuôi, tuy nhiên, hiện phần lớn nguyên liệu cho ngành sản xuất này cũng như thức ăn chăn nuôi thành phẩm của Việt Nam phải nhập khẩu. Để bảo đảm chất lượng thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá tăng “phi mã”, cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp đã, đang tiếp tục siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH De Heus Việt Nam.
Còn khó quản lý chất lượng
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để đáp ứng nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 20-21 triệu tấn nguyên liệu sản xuất và thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Để đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, các đơn vị chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh thông tin, năm 2021, đơn vị này đã lấy 116 mẫu sản phẩm tại 14 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để kiểm tra chất lượng; nhiều tỉnh, thành phố cũng tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kết quả là chưa phát hiện các hành vi sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi…
Ở góc độ địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố hiện có 1.063 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, Chi cục đã lấy 30 mẫu để giám sát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường và chưa phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi.
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hưng Thỉnh - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho hay, với hơn 200 con lợn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại đã chủ động mua thức ăn chăn nuôi ở các nhà máy lớn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm thịt.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi vẫn còn khó khăn do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này lớn. Việc kiểm tra của lực lượng chức năng chỉ thực hiện định kỳ; nội dung kiểm tra chủ yếu là cơ sở hoạt động có đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh hay không.
Về vấn đề này, theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi còn bất cập, khó thực hiện và chi phí lấy mẫu xét nghiệm quá cao nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng. Năm 2021, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra 39 cơ sở sản xuất, buôn bán nguyên liệu, phụ gia thức ăn chăn nuôi và đã xử phạt 2 cơ sở với số tiền 98 triệu đồng do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật sẽ góp phần bảo đảm chất lượng thức ăn chăn nuôi. Trong ảnh: Chăm sóc lợn tại một trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Đông Anh.
Tăng cường thanh tra theo kế hoạch và đột xuất
Để việc sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi bảo đảm đúng quy định của pháp luật, vấn đề quan trọng nhất là tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, nhất là với các chất phụ gia.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại và nhập khẩu nguyên liệu từ những đơn vị có uy tín để sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng. Để ổn định thị trường thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh hiện tại, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các điều kiện về sản xuất, kinh doanh cũng như bảo quản, cung ứng...; hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ để tạo niềm tin cho người chăn nuôi.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi (về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ NN&PTNT quy định), qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm; các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, quá hạn sử dụng…
“Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, đại lý thức ăn chăn nuôi phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; nâng cao tiềm lực sản xuất, chất lượng sản phẩm... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người chăn nuôi biết và lựa chọn sản phẩm thức ăn chăn nuôi của các nhà sản xuất có tiềm lực, uy tín, không sử dụng sản phẩm không có bao bì, nhãn mác... Đặc biệt, các hộ chăn nuôi không lạm dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh… trộn với thức ăn chăn nuôi và phải sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn của nhà sản xuất…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức thanh tra theo kế hoạch kết hợp thanh tra đột xuất về việc chấp hành các quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp kiểm soát chất cấm, kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi cũng như việc thực hiện chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt), chứng nhận hữu cơ…
Mặt khác, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần kiểm soát chặt chẽ việc ủy quyền của các đơn vị để giám sát chất lượng nguyên liệu sản xuất cũng như thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi trên thị trường, qua đó xử lý kịp thời những hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực này.
Theo báo Hà Nội Mới
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)