Ngành chăn nuôi Việt Nam thua trên sân nhà - Bài 1 : Thất bại từ trong trứng nước
“Hên-xui” khi tìm nguồn giống, thức ăn…
Ông Bùi Khắc Vĩnh (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), mỗi năm nuôi từ 10 - 12 ngàn con vịt thịt. “Nếu như giá thị trường ổn định, không dịch bệnh thì 1.000 con vịt bán ra lãi 25 triệu đồng. Ngặt nỗi bây giờ giá thức ăn tăng cao, thị trường bấp bênh, giống không đảm bảo nên lỗ vốn liên tục” - ông Vĩnh nói.
Trước đây, ông Vĩnh đầu tư hẳn một lò ấp vịt giống, nhưng hai năm nay đã chuyển sang ấp trứng vịt lộn do nhu cầu vịt giống không còn. Bản thân ông cũng phải nhờ vào thương lái nhập vịt giống về nuôi.
“Gần như 99% lò ấp vịt giống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều chuyển sang ấp trứng vịt lộn. Con giống nuôi đều phải nhập từ phía bắc vào. Nó là giống vịt trắng, giá rẻ mà nhanh lớn hơn giống vịt cỏ, vịt bầu lai trước đây. Tuy nhiên, gốc gác từ đâu, kiểm dịch thế nào thì... chịu” - ông Vĩnh cho biết thêm.
Đứng nhìn hơn 3.000 con vịt đẻ đang vào mùa thu hoạch, anh Đặng Ngọc Anh - chủ hộ chăn nuôi vịt lớn nhất TP.Đồng Hới (Quảng Bình) - bùi ngùi nói: “Đã 6 năm nay em cũng như những người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn phải tự mình xoay xở để tìm giống sản xuất.
Cứ nghe người ta nói, rồi ra tận các tỉnh phía bắc để mua giống về nuôi, rồi thất bại, lần này đến lần khác nên khổ vẫn hoàn khổ, không biết lần này thì thế nào”. Theo anh Anh, những người nông dân như anh thường đi lấy giống sản xuất theo kiểu “hên - xui”.
“Em thì hay lấy giống ở gần Viện Chăn nuôi, như vậy chắc bảo đảm hơn” - Anh thật thà chia sẻ. Không những tự mình tìm nguồn giống, mà trong quá trình chăn nuôi, người dân cũng tự mình “bươn chải” khi tìm nguồn thức ăn hay vaccine để phòng bệnh. “Em cũng như các hộ chăn nuôi khác, nguồn thức ăn và vaccine phòng bệnh là nhờ... các đại lý cung ứng, cũng không biết nguồn gốc và chất lượng thế nào”.
Với số tiền thức ăn khoảng 150 triệu đồng/tháng, thu bình quân 2.500 quả trứng/ngày, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, anh Anh không biết làm gì để lấy tiền trả nợ ngân hàng. “Ngoài việc chất lượng nguồn giống, riêng từ Tết Nguyên đán 2014 đến giờ, dịch bệnh đã gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng nhưng cũng phải chấp nhận vay nợ để làm tiếp” - Anh nói với ánh mắt đượm buồn.
Chủ một hộ chăn nuôi gà ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) nói: “Hiện tại thì gà tui nuôi xoay vòng, tức gà đẻ ra rồi lấy trứng ấp lại, nhưng nguồn gốc và một số lứa gà con thì lấy tận ngoài bắc rồi đem về, may mắn không bị các cơ quan chức năng bắt vì không có giấy tờ, cũng không rõ đã kiểm dịch hay chưa, chỉ lấy về rồi đem nuôi thôi”.
“Hiện tại ở tỉnh Quảng Bình không có trại gà, vịt giống nên người dân phải mất nhiều chi phí khi tự mình đi tìm nguồn giống và không kiểm soát được chất lượng giống, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao là điều không thể tránh khỏi” - một lãnh đạo Hội Nông dân cho biết.
“Trâu lấm trộn trâu lành”
Thôn Bích La Trung thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nổi tiếng trong khu vực với những lò ấp trứng vịt. Nhưng đến thời điểm này, tất cả những lò ấp trứng này phải “gắng qua ngày” vì vịt con được bán với giá quá thấp. Ông Nguyễn Thọ Biền chăn nuôi vịt đẻ trứng và ấp vịt giống đã có thâm niên và thương hiệu riêng, cho biết: “Như năm này, trung bình giá trứng bán ra được 2.500 đồng/quả, vịt con dao động từ 2.500 - 4.000 đồng/con, trong khi một quả trứng do vịt đẻ (lấy giống) đã có giá thành 2.800 đồng, chỉ mới riêng thức ăn, tính hết tính đủ hao phí đàn giống này nọ phải trên 3.000 đồng/quả trứng, nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về đồng vốn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá trứng, giá vịt giống rớt liên tục là vì vịt con được nhập từ miền bắc vào với số lượng quá lớn, giá chỉ bằng một nửa so với vịt con ở địa phương nên trại ấp vịt nào cũng bị thương lái ép giá. Còn vì sao vịt từ bắc vào, nghe nói là của Trung Quốc, rẻ như vậy thì bầy tui chịu! Hay là do giá thức ăn chăn nuôi của nước mình quá cao?”.
Theo những hộ chăn nuôi vịt ở Triệu Phong thì vịt con được nhập từ miền Bắc vào theo những chuyến xe chạy đường dài vào thời gian 1 - 3 giờ sáng. Vịt con thường được tập kết tại các trạm xăng ven QL1A từ Ái Tử (huyện Triệu Phong) đến thị xã Quảng Trị, số lượng có khi lên đến cả chục ngàn con. Loại vịt này được bán với giá thành khoảng 2.500 đồng/con nên được nhiều người mua.
Từ đó, những lò ấp vịt con ở Triệu Phong sẽ bị ép giá, mặc dù lỗ nhưng những hộ này vẫn phải bán tống bán tháo. “Vịt đưa từ phía bắc vào thấy có dấu, có mác nhưng cũng không rõ là ở đâu. Người dân ở mình cứ thấy rẻ là mua chứ không phân biệt nguồn gốc của vịt con có rõ ràng hay không, vì thế gặp nhiều rủi ro, mà những hộ cung cấp vịt con như gia đình tôi cũng lâm vào thế bí. Chắc phải chuyển sang chăn nuôi loại khác chứ không trụ được lâu hơn nữa” - ông Biền nói.
Ông Trương Quang Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Phong (Quảng Trị) - xác nhận thông tin dịch bệnh xảy ra ở loại vịt cánh trắng như những người nuôi vịt phản ánh là khá nhiều. Tuy nhiên về nguồn giống từ đâu tới thì ông Hùng nói không khẳng định chắc chắn được có phải từ miền Bắc vào hay không. Địa phương đã chủ động được nguồn giống, có qua kiểm tra của cơ quan chức năng.
Nhưng người dân lại nhìn thấy cái lợi trước mắt để rồi đổ xô đi mua con giống không đảm bảo, không rõ lai lịch, dễ dẫn tới dịch bệnh bùng phát triền miên, nông dân chăn nuôi vịt rơi vào tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Theo http://hoithuyvietnam.org.vn/
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)