Người nuôi tôm “ngụp lặn” tìm vốn
Đó là ví von của nhiều đại biểu tại buổi tham vấn và tọa đàm “Xây dựng tiêu chí đánh giá cho vay theo chuỗi giá trị tôm tại ĐBSCL”, do Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm 22.12.
Vùng tôm đang chết dần
Tại buổi tham vấn và toạ đàm, ông Trần Hữu Mai - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, từ năm 2008, con tôm đã đối mặt dịch bệnh bùng phát. Lúc đó, người nuôi tôm lại khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng nên dẫn đến những hệ lụy cho đến ngày nay chưa thể tháo gỡ.
http://streaming1.danviet.vn/upload/4-2015/images/2015-12-22/1450798454-chon_anh-1.jpg
Người dân xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch tôm. Ảnh: H.X
“Lúc đó, người dân gặp khó nhưng phía ngân hàng lại nâng mức lãi suất. Nhiều người dân thua lỗ, không có gì thế chấp nên không thể vay vốn đầu tư tái sản xuất. Sau đó, nhiều năm liên tiếp, dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến người nuôi phải bỏ ao” – ông Mai kể.
Ông Mai thông tin thêm, hiện nay, nhiều người dân vẫn rất cần đầu tư lại vùng tôm nhưng vẫn không thể vay được hoặc vay với số lượng ít ỏi. Ông Mai khẳng định: “Tình trạng người nuôi tôm khốn khó sẽ còn kéo dài nếu Nhà nước không can thiệp kịp thời, không bỏ đi nhiều định chế”.
Ông Lâm Văn Khiếm - người nuôi tôm huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cũng than rằng, huyện Đầm Dơi là trung tâm nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện nay vùng nuôi đìu hiu sau những thiệt hại trong các vụ nuôi gần đây. Mặc dù người nuôi tôm cần tiếp cận vốn để tái sản xuất nhưng thực tế chưa tiếp cận được.
“Rất ít hộ được vay vốn từ ngân hàng. Bản thân tôi nuôi 3ha tôm nhưng chỉ vay được 35 triệu đồng, không bằng 1/10 vốn tôi bỏ ra thì làm sao cải thiện được sản xuất, trong khi đó con tôm là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương” – ông Khiếm bức xúc nói.
Đồng tình với ý kiến của người nuôi tôm, ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, những khó khăn trong sản xuất tôm đã khiến cho nhiều hộ dân mắc nợ đại lý (tiền mua con giống, thức ăn, thuốc..). Nếu khoản nợ này không trả được thì người nuôi tôm “sẽ chết tiếp”.
Liên kết người nuôi và doanh nghiệp
Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải có những giải pháp để cải tạo vùng nuôi, tái sản xuất. “Từ năm 2008 đến nay đã 7 năm rồi, vấn đề đặt ra là cần Nhà nước hỗ trợ về vốn để xoá bớt đi những khó khăn của người nuôi tôm. Tôi nghĩ rằng tôi phải gặp Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát để trình bày về vấn đề này” – ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, theo các đại biểu, người nuôi và doanh nghiệp phải liên kết theo chuỗi, rút ngắn khoảng cách trung gian để dễ dàng tiếp cận vốn vay. Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam thì số hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như không tham gia vào mối liên kết với doanh nghiệp mà chỉ thông qua “cò”.
“Theo thống kê ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, chỉ có 5,7% nông dân nuôi tôm mua bán trực tiếp với doanh nghiệp. Nguyên nhân là do trong nuôi tôm có tính rủi ro rất cao nên khó thiết lập liên kết. Vì vậy, cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy vốn tín dụng cho hộ nuôi tôm có quy mô nhỏ” – ông Giáp thông tin.
Cũng theo ông Giáp, theo khảo sát và phân tích của cơ quan chuyên môn vào năm 2015 về vốn của hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng thì có đến 71% trong tổng số hộ được khảo sát là thiếu vốn.
Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng nhận định: “Người dân và doanh nghiệp đang có sự “cắt khúc”. Khâu này cần được cải thiện một cách tự nguyện mới bền vững. Nếu mối liên kết bền vững, phía ngân hàng sẽ dễ dàng cho vay và kiểm soát đồng vốn được sử dụng hợp lý hơn”.
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)