Nhìn nhận và đánh giá thị trường cá tra Việt Nam
Hiện nay, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là phát triển bền vững ngành cá tra trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng nhận diện thị trường cá tra Việt Nam qua phân tích của Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng và Phó tổng thư ký VASEP Tô Tường Lan.
Thị trường chính
Năm 2014, thị trường Mỹ đứng sau EU, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2015, đã tăng 6,8% so cùng kỳ để vươn lên hàng đầu, đẩy EU xuống vị trí thứ hai vì giảm 16,8%. Theo ông Võ Hùng Dũng, nếu Hiệp định TPP được ký kết, sẽ rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên, cần giảm lượng cá fillet. Chiến lược sản phẩm và chiến lược giá cần được cân nhắc trong quá trình xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó cần lưu ý vấn đề thực hành vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc và giá sàn trong nước. Đặc biệt, nên tìm kiếm đối tác hỗ trợ trong quá trình đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá và áp dụng Đạo luật Nông nghiệp Mỹ.
Thị trường EU liên tục sụt giảm từ năm 2007 đến nay. Nếu như năm 2007, giá bình quân cá tra fillet đông lạnh đạt mức cao nhất là 2,72 USD/kg thì sau đó đã giảm, đến năm 2014 chỉ còn 2,2 USD/kg. Thị phần chiếm từ 47,84% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2007, xuống còn 19,5% năm 2014. Còn sản lượng giảm từ trên 223.573 tấn năm 2008, xuống còn 156.733 tấn năm 2014. Thị phần tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ còn 19%.
Nguyên nhân giảm ở EU, theo bà Tô Tường Lan là các doanh nghiệp nước ta cạnh tranh bằng cách giảm giá; không xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, thiếu chiến lược truyền thông tích cực và chủ động, tạo cơ hội cho các nguồn tin lệch lạc và có chủ ý nhằm tiêu cực hóa hình ảnh của cá tra. Như năm 2011, một số nước ở EU lan truyền thông tin sai lệch là cá tra Việt Nam nuôi trên dòng sông ô nhiễm, nhưng Việt Nam lúng túng, bị động đối phó.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-Thuy-san-Viet-Nam4245-.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thị trường mới
ASEAN có xu hướng tăng gần đây, một số nước như Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia có cá da trơn nhưng vẫn nhập cá tra Việt Nam. Ở đây không yêu cầu sản phẩm chất lượng cao như Mỹ, EU mà chỉ cần giá thấp, sản phẩm đa dạng. Khi thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có thuận lợi giao dịch nội khối.
Tuy nhiên, theo ông Võ Hùng Dũng, doanh nghiệp nước ta còn ít quan tâm đến hội nhập kinh tế cộng đồng ASEAN. Ông Dũng dẫn kết quả một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) về AEC, cho biết “76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC”. Bên cạnh, “63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AEC không ảnh hưởng hoặc rất ít ảnh hưởng đến kinh doanh của họ”.
Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, năm 2014 tăng 24,2% so với năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2015, tiếp tục tăng đến 50,4% so cùng kỳ. Đây là thị trường tăng mạnh nhất trong vài năm gần đây. Dự đoán thị trường Trung Quốc và Hồng Kông còn tăng trong thời gian tới và theo ông Dũng, doanh nghiệp Trung Quốc chuẩn bị phát triển thị trường rất chu đáo. Còn hầu hết doanh nghiệp nước ta chỉ xuất khấu sản phẩm chế biến thô, thiếu nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng nên kinh doanh bấp bênh, giá trị gia tăng thấp. Thị trường Trung Quốc còn nằm trong hiệp định thương mại tự do tổng cộng 16 quốc gia, chiếm 50% dân số thế giới, 1/3 tổng thương mại toàn cầu, dự tính sẽ là đối trọng với Hiệp định TPP.
Thị trường chiến lược
Thị trường Nam Mỹ gồm Brazil, Mexico, Columbia đang tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam. Theo ông Dũng, Brazil đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá tra là bài học đáng lưu ý trong phối hợp hành động của các cơ quan Việt Nam, đặc biệt là vai trò của cơ quan thú y và hợp tác với Tổ chức Thú y Thế giới. Hiện tiêu thụ thủy sản ở Brazil đang tăng dần. Đến các thị trường này, cần tìm hiểu tập quán kinh doanh, thị hiếu của người tiêu dùng để có chiến lược phù hợp. Phát triển những thị trường này còn có điều kiện để phát triển những thị trường lân cận và với cả Cu Ba.
Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm các quốc gia Nga, Kyrgyzstan, Armenia, Kazakhstan, Belarus. Đây là thị trường lớn, khá quen thuộc với nước ta nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt đỉnh vào năm 2008, với gần 200 triệu USD, chỉ một năm sau đó tụt xuống chỉ còn khoảng 1/3 và liên tục giảm đến năm 2014 chỉ còn dưới 40 triệu USD.
Bà Tô Tường Lan đánh giá đây là thị trường chiến lược. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn như thuế quan và cước phí vận chuyển cao (vận chuyển hơn 40 ngày), không minh bạch về chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục nhập phức tạp, lại rủi ro trong thanh toán vì nhiều đối tác trả chậm, không mở L/C. Theo ông Võ Hùng Dũng, để chiếm lĩnh thị trường này, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chống độc quyền phân phối và xuất khẩu, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại.
Báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)