Nỗ lực giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra
Năm 2022, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi rất nặng nề khi tổng đàn chăn nuôi tiếp tục tăng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Theo đó, ngay từ đầu năm, Bộ NN-PTNT đã chủ động triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong năm 2021. Trong ảnh: Trại chăn nuôi bò ở xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: L.Quyên
Là tỉnh có tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn, Đồng Nai luôn chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi.
Chủ động trong công tác phòng, chống dịch
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, TS Yubak, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp LHQ (FAO) tại Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê của FAO, trong 3 năm qua, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Riêng năm 2021, có trên 6 ngàn ổ dịch cúm gia cầm tại nhiều quốc gia khác nhau. Tiêu biểu nhất, các ổ dịch do chủng cúm H5N8 đầu tiên xảy ra ở chim hoang dã sau đó lây lan sang gia cầm; qua phân tích chuyên sâu, nhánh của chủng mới này đã lưu hành ở Việt Nam. Để kiểm soát dịch cúm gia cầm, sự phối hợp giữa các quốc gia, nhất là trong việc giám sát lấy mẫu, chia sẻ các chủng virus để phân tích chuyên sâu, có cơ sở tổng hợp là rất quan trọng.
Trong nhiều năm qua, ngành Thú y Việt Nam đã chủ động triển khai giám sát, chia sẻ các mẫu virus cho các phòng nghiên cứu quốc tế. Việt Nam là thành viên rất quan trọng trong mạng lưới toàn cầu trong kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm, vừa chia sẻ thông tin về lưu hành virus, vừa cung cấp mẫu virus để phục vụ cho nghiên cứu sản xuất vaccine cũng như có cơ sở quyết định lựa chọn vaccine phù hợp. Việc sử dụng vaccine để giảm sự bài thải virus ra môi trường có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng, chống dịch cúm gia cầm. “Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết với Bộ NN-PTNT sẽ cử các đoàn chuyên gia sang Việt Nam để cùng phân tích, đánh giá các nguy cơ cũng như đưa ra các khuyến cáo cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch cúm gia cầm” - TS Yubak khẳng định.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 vừa diễn ra, nội dung được nhiều địa phương tập trung kiến nghị với Bộ NN-PTNT để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh là ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch, Bộ NN-PTNT cần tăng cường kiểm soát về giống nhập khẩu và các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; tăng cường kiểm soát các vùng chuyên canh chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Cùng quan điểm với các địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có cơ chế lưu trữ vaccine, hóa chất và rút ngắn quy trình, thủ tục để cung ứng kịp thời cho các tỉnh, thành khi xảy ra dịch, bệnh. Các quyết định, cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực chăn nuôi cần sớm được hoàn chỉnh để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch hằng năm. Cục Chăn nuôi sớm có hướng dẫn cho địa phương trong thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý ngành chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, vật tư chăn nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi...
Sẽ có vaccine phòng dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi là dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi và khiến người chăn nuôi rất lo ngại vì hiện nay chưa có vaccine phòng dịch. Thông báo tin vui cho người chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, từ năm 2019 đến nay, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ KH-CN nghiên cứu vaccine dịch tả heo châu Phi. Đến nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã triển khai khảo nghiệm vaccine này tại cả phía Bắc và phía Nam, đến nay cơ bản đã hoàn thành. Theo ông Phùng Đức Tiến: “Hội đồng của Cục Thú y cũng đã họp và lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vaccine vào cuối quý I hoặc vào đầu quý II-2022. Khi vaccine dịch tả heo châu Phi được công bố sẽ có hiệu quả tiêm rất cao và tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi heo của Việt Nam trong thời gian tới”.
Đại diện doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vaccine dịch tả heo châu Phi, ông Trần Xuân Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (TP.HCM) chia sẻ, sau một thời gian thực hiện và với sự giúp đỡ hiệu quả của các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Thú y và một số đơn vị khác, dự án nghiên cứu vaccine dịch tả heo châu Phi đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng. Hiện vaccine đang ở giai đoạn khảo nghiệm cuối cùng và trình Hội đồng Khoa học quốc gia phê duyệt trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Qua khảo nghiệm cho thấy kết quả rất tốt, heo được tiêm vaccine phát triển khỏe mạnh, trong khi những con heo đối chứng không được tiêm vaccine đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nhiễm bệnh và chết. Doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để bắt tay ngay vào sản xuất khi được phê duyệt.
Theo báo Đồng Nai
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)