Nuôi yến tràn lan, không dễ sắp xếp

Quốc hội vừa thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Chăn nuôi. Với nội dung quy định tại dự thảo luật này, nếu có hiệu lực thì các địa phương sẽ buộc phải đóng cửa tất cả nhà nuôi chim yến trong khu dân cư

Quốc hội vừa thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Chăn nuôi. Với nội dung quy định tại dự thảo luật này, nếu có hiệu lực thì các địa phương sẽ buộc phải đóng cửa tất cả nhà nuôi chim yến trong khu dân cư

Sau thời gian khá dài tự phát, nghề nuôi chim yến hiện có ở trên 30 tỉnh, thành và phát sinh hàng loạt bất cập về môi trường, quản lý...

Từ ngoại thành vào trung tâm

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM cho biết phần lớn nhà nuôi yến nằm ở địa bàn vùng ven như các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi; các quận trung tâm thì không nhiều. "Đến nay, nhiều nhà nuôi yến ở khu trung tâm không còn phát loa dẫn dụ yến một cách tự nhiên do chim đã quen chỗ ở. Với các hộ nuôi, chúng tôi đến lấy mẫu giám sát dịch bệnh định kỳ 6 tháng/lần" - lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin.

 

Nuôi yến tràn lan, không dễ sắp xếp - Ảnh 1.

 


Một hộ nuôi chim yến ở quận 3, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tại TP HCM, số lượng nhà nuôi yến có đăng ký được "chốt" từ năm 2015 với khoảng hơn 500 căn nhờ chính quyền địa phương không cho phát triển mới để chờ quy hoạch vùng nuôi. Tháng 3 vừa qua, Sở NN-PTNT TP HCM đã trình đề xuất quy hoạch theo hướng chỉ cho phát triển mới nhà nuôi yến tại hai huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 9; những nhà nuôi yến hiện hữu được phép tồn tại với điều kiện khai thác được tối thiểu 1 kg/tháng. Tuy nhiên, quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, vấn đề cấm hay để tồn tại có điều kiện nhà nuôi yến tại khu vực trung tâm TP HCM vẫn còn để ngỏ.

Do đó, việc nuôi loài chim này vẫn còn khá "ồn ào". Không chỉ ở ngoại thành mà ngay các quận trung tâm TP HCM cũng có khá nhiều hộ nuôi yến. Chẳng hạn, tại quận 3 và Bình Thạnh, một số nhà dạng biệt thự cũng được tận dụng dẫn dụ chim yến về nuôi. Tại khu vực quận 7, có nhà được xây dựng quy mô lớn với diện tích hàng trăm mét vuông để nuôi yến. Tại khu vực này, một số người còn tận dụng cả cao ốc để dẫn dụ yến về nuôi. Ở các quận 8, 9, Thủ Đức,…, ngoài việc để ở, nhiều nhà còn tận dụng diện tích phía trên để nuôi chim yến.

Ông Tuất - một chủ nhà có nuôi chim yến tại phường Trường Thạnh, quận 9 - cho biết cả gia đình sinh hoạt ở tầng trệt, dành hết không gian tầng 1 và 2 cho chim yến. Năm đầu rất ít nhưng các năm sau, chim yến về nhiều hơn. Mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch khoảng 1 kg tổ yến, được gần 20 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.

Khu dân cư Nam Long (phường Phước Long B, quận 9) có gần chục nhà nuôi chim yến với đủ loại - từ nhà chuyên dùng đến nhà kết hợp giữa nuôi và để ở. Hình ảnh loa dụ chim yến trên nóc còn bên dưới bày bán các sản phẩm yến sào không phải là hiếm ở đường Liên Phường. "Cứ vào buổi chiều là âm thanh từ máy dụ chim phát ra inh ỏi, nghe rất khó chịu. Chúng tôi phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương nhưng đâu lại vào đó" - một hộ dân bức xúc.

Các hộ sống gần những nhà nuôi yến đều tỏ ra bức xúc về hoạt động chăn nuôi này. Bà Khuất Thị Mến, nhà ở phường Trường Thạnh, cho biết nhà nuôi chim yến suốt ngày dùng máy phát ra âm thanh ồn ào để dẫn dụ chim yến nhưng chẳng thấy ai xử lý.

Theo Sở NN-PTNT TP HCM, phần lớn nhà nuôi chim yến đều tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Những hộ nuôi dùng máy phát tiếng kêu của chim yến để dẫn dụ về nuôi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng. Ngoài ra, việc này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm, do chim yến có phạm vi hoạt động rộng.

Hạn chế để giảm thiểu ô nhiễm

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Yến sào Sài Gòn Anpha, cho biết ông ủng hộ việc cấm nuôi yến trong nội thành để giảm ô nhiễm môi trường, đem lại môi trường sạch cho người dân.

"Tuy nhiên, ngành nuôi chim yến có đặc thù riêng, khác hẳn với các vật nuôi khác là người nuôi không thể chủ động trong việc di dời nhà yến. Nếu cấm nuôi yến trong nội thành thì người nuôi hiện hữu chỉ có cách phá bỏ nhà yến. Đây là điều rất lãng phí cho các chủ nhà yến vì thiệt hại về kinh tế, làm mất nguồn lợi về sản phẩm tốt cho sức khỏe. Hiện tại, nhà yến ở các quận trung tâm TP HCM như quận 1, 3, Phú Nhuận… không có nhiều nhưng tồn tại cả chục năm nay. Các vấn đề phát sinh của nhà yến như mùi hôi, tiếng ồn đều có giải pháp kỹ thuật để xử lý. Như việc phát loa để dẫn dụ chim yến, hiện đã có máy phát siêu âm, chim yến nghe được nhưng người thì không nên không ảnh hưởng đến dân cư" - ông Tuấn phân tích.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị chỉ nên cấm xây mới nhà nuôi yến ở nội thành. Những nhà yến hiện hữu nên tiếp tục cho tồn tại và quản lý chặt để kiểm soát dịch bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Chưa có tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường

Ngày 12-11, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - xác nhận TP đã có văn bản yêu cầu các xã, phường tổ chức khảo sát, nắm lại tình hình nuôi chim yến trên địa bàn.

Theo ông Tuấn, nghề nuôi yến đem lại kinh tế khá cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc nuôi chim yến tràn lan, nhất là trong khu dân cư , nên phát sinh một số vấn đề về tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. "Việc khảo sát này sẽ giúp thành phố nắm được sự phân bố các nhà yến, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý những vấn đề phát sinh" - ông Tuấn nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, hiện không có tiêu chuẩn cụ thể cho nhà nuôi yến, cũng như chưa có thiết kế chuẩn để bảo đảm an toàn kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Việc xây nhà yến mới chỉ phải báo cho địa phương để biết chứ không thông qua chi cục cấp phép. Việc giám sát dịch bệnh hiện nay chủ yếu là trên gia cầm. Những đơn vị nào đăng ký thì chi cục mới có căn cứ kiểm tra định kỳ theo quy định.

Về đề xuất không cho phép nuôi yến trong nội đô, chủ một nhà yến tại phường Phương Sài, TP Nha Trang cho rằng nhà yến đang hoạt động thì không thể di dời, trong khi số này hiện khá lớn. "Nếu nuôi yến mà không ảnh hưởng đến người khác cũng như bảo đảm các quy trình an toàn vệ sinh thì cũng nên tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập" - chủ một nhà yến bày tỏ.

Từ năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt vùng nuôi chim yến trên địa bàn đến năm 2020 với 5 làng nghề tại TP Nha Trang, chủ yếu ở các xã vùng ven như Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Ngọc; thị xã Ninh Hòa và các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh. Quy hoạch định hướng phát triển đàn yến từ 58.000 con hiện nay lên hơn 1,3 triệu con vào năm 2020, tương ứng với gần 40.000 m2 nhà yến. Quy hoạch này dựa trên ứng dụng thành công khoa học - kỹ thuật trong những năm gần đây của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Quy hoạch này cũng khẳng định không phát triển chim yến tại đô thị.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, tỉnh không quy hoạch nuôi yến trong đô thị Nha Trang, việc các nhà yến phát triển hiện nay chủ yếu là do tự phát. Sở đã yêu cầu các cá nhân xây nhà nuôi yến phải đăng ký xây dựng với chính quyền địa phương. Lực lượng thú y sẽ giám sát, lấy mẫu chim yến, tổ yến để kiểm tra, giám sát dịch bệnh theo định kỳ.

Theo Người Lao Động

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC