Phát hiện ổ dịch cúm A(H5N1)
Ngày 25/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông tin từ Cục Thú y-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 18/8, tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có ghi nhận một ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm.
http://images.vnmedia.vn/images_upload/2015/vnm_2015_210503.jpg
Ảnh minh họa.
Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.
Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người.
Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch. Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch; đồng thời, thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.
Triệu chứng khi bị cúm A(H5N1)
Người bệnh nhiễm cúm A(H5N1) thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm A(H5N1) thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng. Sau đây là một số triệu chứng cơ bản:
- Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đau đầu.
- Đau mỏi cơ, đặc biệt là đau tăng khi ho
- Ho, đau họng.
- Đau nhức cơ bắp.
- Viêm màng kết.
- Một số bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn, khó thở
Ngoài ra bệnh nhân có thể tức ngực, tim đập nhanh, nhịp thở thanh, dần dần bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy đa phủ tạng, dẫn đến tử vong.
Do diễn biến nhanh và tính chất nghiêm trọng của bệnh, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong.
Đường lây truyền bệnh
- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Đó có thể là khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Hoặc là gia cầm khỏe nhưng đã mang virus A(H5N1).
- Không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiết canh là một sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín cũng là một mối nguy. Trứng, thịt và các chế phẩm khác cũng vậy.
- Qua đường không khí. Những giọt nước li ti từ những cái hắt hơi, dịch nhày mũi…chứa virus cúm lan truyền rất nhanh.
Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao
- Người chăn nuôi gia cầm, người chế biến gia cầm, người sống trong phạm vi vùng dịch cúm.
- Các đối tượng nhạy cảm và có sức đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo để phòng chống bệnh cúm A(H5N1), người dân phải thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Theo vnmedia.vn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)