Phí nhiều, tôm lại oằn lưng
Phí xuất khẩu luôn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt với lĩnh vực tôm. Trong khi khó khăn về vốn, nguyên liệu… chưa được tháo gỡ, những khoản phí phát sinh tiếp tục khiến các doanh nghiệp khó chồng khó.
Quá nhiều loại phí
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), để 1 kg cá, tôm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải chịu gần 10 loại phí: dịch vụ container (THC); mất cân đối container (CIC); vệ sinh container; sửa chữa vỏ container; đặt cược container (đối với hàng đông lạnh)… Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí: làm thủ tục, hóa đơn, lưu kho bãi, cầu đường, giao hàng lẻ theo container....
Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn bị chủ hàng viện đủ lý do để tăng phí. Đơn cử, mức quy định của cảng như phí dịch vụ container mức thu là 20 USD cho container 20 feet và 35 USD cho container 40 feet, nhưng chủ tàu thu của doanh nghiệp 60 - 70 USD/container 20 feet và 100 - 120 USD cho mỗi container lớn. Vì thế mà trong công văn gửi Bộ Công thương, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, nhiều hãng tàu thu các loại phí nhưng không thông báo cho doanh nghiệp, còn nếu thông báo thì thời gian rất ngắn nên gây khó cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gặp khó với các loại phí tăng 2 - 3 lần so với trước - Ảnh: An Đăng
Theo VASEP, so với 2013, năm nay các loại phí này tăng 20 - 30%; cùng đó, giá cước vận tải biển tại Việt Nam cao hơn 10 - 15% so với các nước trong khu vực (như Thái Lan, Philippines...), mỗi container 20 feet. Theo các doanh nghiệp, giá cước tăng nhưng giá xuất khẩu mặt hàng tôm hầu như không tăng, thậm chí giảm, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Doanh nghiệp kêu trời
Bên cạnh phí vận chuyển kho bãi, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng. Chưa kể, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn lô hàng xuất khẩu phải chờ 7 - 10 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cũng theo VASEP, nhiều thị trường nhập khẩu không yêu cầu các giấy chứng nhận này, nhưng cơ quan quản lý vẫn bắt doanh nghiệp đóng phí để chứng nhận. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nên thay đổi phương thức kiểm tra, theo hướng những nhà máy, ao nuôi tuân thủ tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì không phải kiểm tra.Tuy nhiên, Cục trưởng NAFIQAD khẳng định, trong khi nuôi trồng và chế biến chưa liên kết được với nhau, thì biện pháp tốt nhất hiện nay là phải tăng cường kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu, nếu không sẽ mất thị trường.
Ngoài ra, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE để bao gói hàng xuất khẩu cũng là gánh nặng với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. VASEP ước tính, chi phí tăng thêm từ thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm thủy sản xuất khẩu là 0,1 USD/kg.
Điều lo lắng của doanh nghiệp thủy sản là do dịch bệnh trên tôm bùng phát mạnh; để cứu ao nuôi tôm, người dân chấp nhận sử dụng các loại kháng sinh bị cấm. Dù biết rằng làm cách này là vi phạm pháp luật nhưng nếu không làm sẽ lại mất trắng. Để đối phó với tình trạng này, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc và tuyển nhân sự phân tích các loại kháng sinh của từng lô hàng mua về. Điều này đẩy chi phí tăng lên và tất cả đưa vào giá thành.
Giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm luôn có một “đại án” treo trên đầu, đó là vấn đề kháng sinh cấm trong thủy sản. Cụ thể là tại thị trường Nhật Bản. Giá xuất khẩu tôm vào thị trường này luôn cao, nhưng đổi lại, phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe và khả năng bị trả hàng về do có kháng sinh cấm rất lớn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm những loại phí khác nữa. Trường hợp hàng bị trả về, mỗi container tôm khiến doanh nghiệp mất thêm vài ngàn USD là thường, hệ lụy đi kèm không nhỏ, có thể khiến doanh nghiệp bị phá sản.
Theo Báo Thủy Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)