Tổng đàn gia cầm tăng nóng: Lại lo đối mặt dịch cúm gia cầm
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng đã làm thiệt hại hơn 4 triệu con lợn trên cả nước. Nuôi lợn gặp khó khăn, lại được khuyến cáo không tái đàn khi dịch vẫn chưa được khống chế, hiện nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển đổi vật nuôi, chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, khiến tổng đàn tăng nóng trong những tháng gần đây.
http://media.kinhtedothi.vn/524/2019/8/16/tiem cum.jpg
Lấy mẫu swab giám sát lưu hành virus cúm gia cầm. Ảnh: Phương Nga
Ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn gia cầm của cả nước trong 6 tháng qua đã tăng 7,5%; sản lượng trứng gia cầm đạt gần 7 tỷ quả, tăng 11,4%. Tại Hà Nội, hiện nay tổng đàn gia cầm đạt xấp xỉ 32 triệu con, tăng khoảng 1 triệu con so với cùng kỳ năm 2018. Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Dương cho biết: Hiện nay lợn vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 70% cơ cấu sản lượng thịt của Việt Nam, gia cầm chiếm khoảng 20%, trâu bò chiếm khoảng 7%, còn lại là các loại thịt cá khác.
Trong khi đó, cơ cấu tỷ lệ vàng về các sản phẩm chăn nuôi tại các quốc gia phát triển là lợn chiếm khoảng 40%, gia cầm 40% và 20% là các sản phẩm khác. Do đó, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Theo đó, sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7%, bò thịt tăng lên 5%. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), mặc dù khuyến khích chăn nuôi gia cầm để tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nhưng việc tăng nóng đàn trong một thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi thời gian quay vòng của chăn nuôi gia cầm rất nhanh, ví dụ như chăn nuôi gà công nghiệp chỉ từ 35 – 40 ngày đã có thành phẩm. Nếu người dân vẫn tiếp tục ồ ạt tái đàn, trong thời gian tới sẽ dẫn đến nguy cơ chăn nuôi gia cầm bị thoái hóa. Điều này sẽ tăng rủi ro về giá và đặc biệt là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì đa phần những hộ chăn nuôi lợn chuyển sang chăn nuôi gia cầm thường chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng bệnh. Cùng với đó, tư tưởng chỉ chuyển đổi chăn nuôi tạm thời nên công tác phòng chống dịch bệnh thường bị lơ là.
Cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm
Thời gian từ nay tới cuối năm, nhiệt độ thấp kèm theo mưa, đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh cúm gia cầm phát triển và lây lan. Trong khi đó, việc vận chuyển lưu thông, giết mổ gia cầm dịp này rất lớn, cũng là nguyên nhân lây truyền bệnh cúm gia cầm. Điều đáng bàn nhất chính là phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm chủ yếu. Đặc điểm của phương thức chăn nuôi nông hộ là số lượng đàn nuôi nhỏ, thả rông, chuồng trại đơn giản... làm tăng nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh.
Trong quá khứ, thiệt hại về bệnh cúm gia cầm ở nước ta là không hề nhỏ và chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Có thể điểm lại vào năm 2003, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã gây thiệt hại hơn 45 triệu con gia cầm. Không chỉ gây bệnh trên đàn gia cầm, cúm gia cầm còn ảnh hưởng đến con người. Giai đoạn 2003 – 2014, virus cúm gia cầm đã lây nhiễm cho 127 người, trong đó có 64 người tử vong.
Cục trưởng Cục Thú y Bạch Đức Lữu khuyến cáo: Để kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia cầm và giảm nguy cơ gây bệnh sang người, đòi hỏi người chăn nuôi phải thay đổi tư duy chăn nuôi, chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp. Cụ thể, thay đổi tổng thể từ việc thiết kế và xây dựng chuồng trại, sử dụng con giống chất lượng, có chế độ dinh dưỡng phù hợp từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng bệnh cho gia cầm, tránh tình trạng bị động khi dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, người chăn nuôi cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng và phải xác định là chăn nuôi gia cầm chuyên nghiệp chứ không nên làm kiểu tay ngang. Đây cũng là giải pháp để người chăn nuôi tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, cũng như đủ sức chống chọi với những thách thức của dịch bệnh.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Bạch Đức Lữu
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)