“Phơi hồ” vì dịch và giá tôm thấp
Nắng nóng kéo dài khiến tôm nuôi ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) bị dịch bệnh; thêm vào đó, giá tôm xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi buộc phải "phơi hồ" vì sợ lỗ.
Về vùng cát Ngũ Điền những ngày này, không khí nuôi tôm không còn sôi động như thường lệ. Dọc tuyến đường quốc phòng nối từ thôn Hải Đông, xã Phong Hải đến thôn Tân Hội, xã Điền Hòa, thỉnh thoảng mới nghe tiếng máy sục khí tại một số ao hồ. Nhiều trại nuôi của người dân cửa đóng then cài, không một bóng người qua lại, các ao hồ thì trong tình trạng khô nước...
Dịch bệnh triền miên
Bắt chuyện với anh Hồ Phương Vũ, một hộ nuôi tôm ở vùng cát ven biển xã Điền Lộc mới biết, thời tiết nắng nóng, diễn biến thất thường khiến tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh khiến người dân lo lắng. Nếu như các vụ trước, nhiều hộ nuôi có lãi, có hộ lãi vài trăm triệu đến nửa tỷ đồng, thì mấy vụ gần đây phần lớn hộ nuôi đều thua lỗ, bình quân vài trăm triệu đồng. Hộ ông Hồ Quỳnh ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải đến thuê hai hồ nuôi tôm tại xã Điền Lộc, mỗi hồ rộng 2.500 m2. Mấy vụ đầu có lãi, nhưng hai vụ gần đây thì thua lỗ. Ông Quỳnh nói: “Vì lỗ liên tiếp nên thiếu vốn tái sản xuất. Hai hồ nuôi của gia đình phải cho người khác thuê. Người thuê nuôi cũng liên tiếp thua lỗ nên mấy vụ qua rơi vào cảnh “phơi hồ” vì dịch bệnh.
Hộ ông Nguyễn Xuân Thành có một hồ nuôi ở xã Điền Lộc cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Ông Thành than thở: “Vụ nào cũng xảy ra dịch như thế này thì có nước bán nhà trả nợ. Hồ nuôi chừng 2.000 m2, mỗi vụ thường thả 50 vạn tôm giống có giá khoảng 50 triệu đồng. Chi phí thức ăn trong ba tháng nuôi khoảng 200 triệu đồng, cộng với các khoản tiền điện, thuốc men, thuê nhân công khoảng 50 triệu đồng... Tổng cộng các chi phí chừng 300 triệu đồng. Mấy vụ nuôi vừa qua, tôm xảy ra dịch bệnh, thua lỗ ước tính 500 triệu đồng”.
Thua lỗ kéo dài, không có điều kiện tái nuôi, nhiều hộ "phơi hồ"
Đáng tiếc là hộ Nguyễn Phước Lệ ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải, thả nuôi khoảng 80 vạn tôm giống. Tôm nuôi sắp đến giai đoạn thu hoạch, bình quân đạt 150 con/kg thì đột nhiên xảy ra dịch bệnh đốm trắng. Đây là loại bệnh thường gặp, nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ông Lệ cho biết, mọi chi phí từ con giống, đến thức ăn, tiền điện, thuốc men, trả công nuôi... ước chừng 500 triệu đồng. Gia đình thu hoạch vớt vát bán được khoảng 250 triệu đồng, lỗ 250 triệu đồng. Lo ngại dịch bệnh nên sau khi thu hoạch xong vụ vừa rồi, hộ ông Lệ đành “phơi hồ”. Theo ông Lệ, trường hợp của ông cũng là cảnh ngộ chung của nhiều hộ nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền.
Tôm chậm lớn, giá thấp
Theo các hộ nuôi, ngoài dịch bệnh xảy ra triền miên, thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài khiến tôm nuôi chậm phát triển. Thường mỗi vụ nuôi chỉ trong vòng ba tháng sẽ cho thu hoạch, nhưng mấy vụ nuôi gần đây kéo dài đến bốn tháng. Việc kéo dài thời gian nuôi khiến chi phí đầu tư thức ăn, tiền điện tăng cao nên dù có được mùa nhưng lãi rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn. Anh Nguyễn Văn Đức ở xã Phong Hải cho biết, anh thuê hai hồ nuôi ở thôn Thế Mỹ A, xã Điền Hòa, mấy vụ gần đây, có vụ lãi vài trăm triệu đồng, riêng vụ vừa rồi chỉ hòa vốn. Ngoài vấn đề thời tiết, thì chất lượng tôm giống thấp cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi dễ dịch bệnh. Theo anh Đức, cũng như các hộ nuôi, nguồn giống chủ yếu mua ở các cơ sở sản xuất tại các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa...
Giá tôm hiện nay giảm rất thấp, không ổn định là nỗi lo đối với các hộ nuôi. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều hộ “phơi hồ” vì sợ lỗ. Lâu nay, phần lớn các hộ nuôi tôm trên cát đều chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tôm nuôi sau khi thu hoạch chỉ bán cho các lái buôn, thường xảy ra tình trạng ép giá, giá cả bấp bênh. Anh Nguyễn Văn Đức cho biết, một số vụ nuôi tuy được mùa, sản lượng đạt 7 - 8 tấn/hồ, nhưng giá quá thấp nên lãi ít, thậm chí chỉ hòa vốn. Giá tôm bình quân hiện nay chỉ từ 115 nghìn đến 130 nghìn đồng, có thời điểm giảm còn 90 nghìn đồng/kg. Với giá như vậy thì người nuôi rất khó có lãi, đó chưa kể nếu xảy ra dịch bệnh, hay tôm chậm lớn sẽ thua lỗ nặng.
TS Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thông tin, qua kiểm tra bước đầu, vụ nuôi vừa qua ở vùng Ngũ Điền có đến hàng chục ha tôm bị dịch, nhiều hộ nuôi đành phải “phơi hồ”. Loại bệnh chủ yếu là đốm trắng. Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 60 ha nuôi tôm đầm phá bị dịch bệnh, tập trung ở các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang.
Theo Báo Thừa Thiên Huế
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)