REUTERS: VẮC-XIN ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI CHỐNG LẠI DỊCH TẢ HEO SẮP ĐƯỢC PHÊ DUYỆT TẠI VIỆT NAM
HÀ NỘI, ngày 7 tháng 6 (Reuters) – Quan chức thú y toàn cầu và Hoa Kỳ cho biết, các loại vắc xin chống dịch tả heo châu Phi đang được thử nghiệm ở Việt Nam sắp được phê duyệt, đây sẽ là một bước đột phá lớn để giải quyết căn bệnh chết chóc thường xuyên tàn phá các trang trại heo trên toàn thế giới.
Dịch tả heo châu Phi trong nhiều năm đã làm gián đoạn thị trường thịt heo 250 tỷ USD trên toàn cầu. Trong đợt bùng phát tồi tệ nhất năm 2018-2019, khoảng một nửa tổng đàn heo ở đất nước có sản lượng lớn nhất thế giới - Trung Quốc đã bị tiêu hủy, gây thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ USD.
Sau nhiều thập kỷ nỗ lực nhưng thất bại do tính phức tạp của vi-rút, hai loại vắc-xin do các nhà khoa học Hoa Kỳ đồng phát triển đang được các công ty Việt Nam thử nghiệm trong các chương trình thí điểm quy mô lớn cho kết quả "rất hứa hẹn", Gregorio Torres, trưởng ban khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters.
“Chúng ta chưa bao giờ tiến gần đến việc tạo ra một loại vắc-xin hiệu quả như bây giờ,” Torres nói, đồng thời lưu ý rằng hai loại vắc-xin này “có lẽ có cơ hội thành công cao nhất” và được phép bán trên toàn thế giới.
Cả hai loại vắc xin này đã hoàn thành thí điểm thương mại tại Việt Nam. Bước tiếp theo sẽ là cấp phép trên toàn quốc, lần đầu tiên đối với vắc-xin dịch tả heo châu Phi và có thể xuất khẩu.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack cho biết có khả năng sẽ quan tâm đến việc mua trước để phòng dịch ở Hoa Kỳ, mặc dù quốc gia này đã chưa xuất hiện vi-rút DTHCP cho đến nay.
“Đương nhiên sẽ có một mối quan tâm cụ thể,” Vilsack nói về khả năng mua vắc xin của Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 4.
Vắc-xin đã được thử nghiệm ở Việt Nam nơi dịch tả heo luôn là mối đe dọa, do không thể phát triển vắc-xin ở Hoa Kỳ nơi vi-rút không hiện hữu.
WOAH cho biết trong một báo cáo thường kỳ vào tuần trước, kể từ năm 2021, dịch tả heo tuy không gây nguy hiểm cho con người, đã xuất hiện ở gần 50 quốc gia và gây chết cho khoảng 1,3 triệu con heo.
Hiện tại không có đợt bùng phát lớn nào, nhưng ngân hàng cho vay kinh doanh nông nghiệp Rabobank đã cảnh báo vào tháng 4 rằng khả năng lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là ở Trung Quốc, vẫn là một trong những rủi ro hàng đầu đối với ngành thịt heo toàn cầu.
KHÔNG CÓ VẤN ĐỀ VỀ AN TOÀN
Người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết các nhà nghiên cứu của USDA đã xem xét kết quả của NAVET-ASFVAC do họ hợp tác phát triển với doanh nghiệp thuốc thú y Việt Nam NAVETCO.
Sau khi vắc-xin cho thấy mức độ hiệu quả cao và không có rủi ro về an toàn trong các cuộc thử nghiệm, 600.000 liều đã được phê duyệt để bán lần đầu cho người chăn nuôi heo ở Việt Nam, trong đó 40.000 liều đầu tiên "đã được triển khai mà không có bất kỳ vấn đề nào về an toàn", USDA cho biết.
Điều đó xảy ra sau một chút trục trặc ban đầu khi việc sử dụng vắc-xin bị đình chỉ sau việc hàng chục con heo chết vào mùa hè năm ngoái do tiêm vắc-xin tại các trang trại sử dụng vắc-xin không đúng chỉ định, USDA thông tin, tiêm vắc-xin cho đối tượng heo không được phép tiêm, như heo nái đang mang thai.
USDA cho biết không có vấn đề gì xảy ra khi tiếp tục triển khai tiêm trở lại dưới sự giám sát thú y đầy đủ.
NAVET-ASFVAC là một loại vắc-xin vi-rút sống giảm độc lực, giống như vắc-xin được sử dụng trong tiêm chủng định kỳ cho trẻ em trên khắp thế giới. Việc sử dụng vắc-xin vi-rút sống không được cấp phép ở Trung Quốc trong những năm qua đã làm dấy lên lo ngại rằng chúng gây ra sự xuất hiện của các chủng dịch tả heo mới.
Dữ liệu từ các thử nghiệm của Trung Quốc về vắc-xin vi-rút sống chống lại bệnh DTH là rất hạn chế.
Vắc xin thứ hai được thử nghiệm tại Việt Nam, AVAC ASF LIVE, được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và được thương mại hóa bởi công ty AVAC của Việt Nam, đã được tiêm cho nhiều heo hơn NAVET-ASFVAC trong lô thí điểm, nhưng USDA cho biết họ chưa xem xét dữ liệu thử nghiệm của vắc-xin này.
NAVETCO, AVAC và Bộ Nông nghiệp Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt vắc xin thú y, đã không có bình luận chính thức gì về vấn đề trên.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)