Sự thật bất ngờ về Tamiflu: Cả thế giới bị lừa?
Thực tế nhiều quốc gia đã tin sự thổi phồng của Tamiflu như một loại dược phẩm đặc trị với virus cúm A nên đã mua dự trữ với số lượng lớn để đề phòng... đại dịch. Hậu quả khiến nhiều quốc gia đã lãng phí cả ngàn tỷ đồng.
Chết đứng với… sự thật bất ngờ
Việc sử dụng Tamiflu đã gia tăng mạnh kể từ khi bùng nổ dịch cúm A/H1N1 năm 2009. Ban đầu, người ta tin rằng loại thuốc này sẽ giúp giảm thời gian điều trị và các biến chứng của cúm, như bệnh viêm phổi trong thời kỳ diễn ra dịch.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thuộc Cochran cho rằng Tamiflu có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh cúm, song không có bằng chứng cho thấy nó có thể giảm các biến chứng đi kèm.
Các dữ liệu về tính hiệu quả và tác dụng phụ của Tamiflu không đủ cơ sở để ủng hộ sử dụng loại thuốc này trong ngăn ngừa sự lây lan cúm từ người sang người.
So với thuốc điều trị thông thường, Tamiflu làm giảm nhanh hơn các triệu chứng cúm khoảng nửa ngày, từ 7 ngày xuống còn 6 ngày rưỡi ở người trưởng thành.
Tuy nhiên, việc thuốc có thể làm giảm thời gian phải nằm viện hay các biến chứng cúm đáng ngại khác hay không vẫn chưa được chứng minh. Tiến sỹ David Tovey, Tổng biên tập của Thư viện Cochrane cho rằng chưa chứng minh được liệu Tamiflu có hiệu quả hơn các loại thuốc chống cúm thông thường không và dường như một số tác hại của thuốc còn chưa được công bố trên các tạp chí y học.
Thông tin này khiến nhiều nước đã tin tưởng vào Tamiflu "chết đứng" vì đã bỏ ra số tiền lớn để dự trữ một loại thuốc không có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Chính phủ Anh bắt đầu dự trữ Tamiflu năm 2006 trước những lo ngại về dịch cúm gia cầm sau khi thuốc được viện Y tế và thành tựu lâm sàng Quốc gia (Anh) phê duyệt.
Tamiflu không được kê đơn rộng rãi cho bệnh cúm thông thường. Bộ Y tế Anh đã mua khoảng 40 triệu liều Tamiflu trị giá 473 triệu bảng Anh tương đương với 17 nghìn tỷ đồng và đã kê đơn thuốc cho khoảng 240.000 người, chiếm 0,5% tổng ngân sách của hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) của Anh được dành cho Tamiflu năm 2009.
Thực tế, có rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã tin tưởng và sử dụng Tamiflu. Tuy nhiên, nghiên cứu của trường đại học Oxford của Anh tuyên bố rằng: Hãng dược phẩm Roche, nhà sản xuất thuốc Tamiflu, đã gây ấn tượng giả tạo về hiệu quả của thuốc và cáo buộc công ty này cẩu thả trong nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu cho thấy thuốc Tamiflu, từng được cấp cho 240.000 người ở Anh với tốc độ 1.000 người mỗi tuần, có liên quan với một số vụ tự tử của trẻ em tại Nhật và cho rằng không chỉ không làm giảm triệu chứng cúm, thuốc có thể thực sự làm bệnh nặng thêm.
Tại Nhật, có tám trẻ em dùng thuốc này đã tự tử sau khi bị những đợt bệnh loạn thần. Những tác dụng phụ khác bao gồm bệnh ở thận, buồn nôn, nôn và đau đầu. Nhiều người cho biết có cảm giác lo âu hoặc trầm cảm khi dùng thuốc.
Số liệu từ 20 thử nghiệm về Tamiflu cũng cho thấy thuốc có thể khiến cho một số người không sản sinh được đủ lượng kháng thể của chính mình để chống lại bệnh.
Các tác giả của báo cáo cho biết họ đã rất vất vả để thu thập số liệu thử nghiệm gốc từ Roche, ban đầu công ty này tuyên bố số liệu là bí mật. Tất nhiên, hãng Roche tuyên bố về cơ bản "không nhất trí" với những kết quả nghiên cứu mới nhất này.
Tamiflu từng bị tiêu huỷ gây thiệt hại 280 tỉ đồng
Còn tại Việt Nam, ngân sách của Nhà nước cũng được chi hàng trăm tỷ đồng cho việc dự trữ thuốc Tamiflu. Mỗi khi có dịch cúm tuyp A, người dân lại đua nhau tự ý đi mua thuốc Tamiflu để dự trữ. Loại thuốc này được bán với giá cao 45-50 ngàn đồng/1 viên.
Chưa kể khi có dịch, số lượng người mua đông, tư thương đẩy giá lên 60-70 ngàn đồng/1 viên. Thực tế, nếu theo báo cáo của Cochran thì Tamiflu cũng chỉ có tác dụng như thuốc cảm cúm thông thường.
Trước thực tế này, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Hóa - Sinh Biển (viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuốc) khẳng định, nếu Việt Nam phải tiêu huỷ số thuốc Tamiflu đã dự trữ là một lãng phí rất lớn.
Nhìn ra thế giới, các chuyên gia nhận định: Các chính phủ đã chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD cho các loại thuốc kém hiệu quả. Nghiên cứu của Cochrane có thể xem là bước tiến lịch sử hướng đến sự minh bạch của ngành công nghiệp dược phẩm.
Tuy nhiên, trước những lãng phí từ quá trình dự trữ Tamiflu, bà Nguyễn Thị Khá, thành viên Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng: "Trong quá trình dự báo tình hình dịch, bộ Y tế cũng cần tính toán sát thực hơn. Còn có báo cáo nói rằng thuốc Tamiflu tác dụng cũng chỉ như các loại thuốc cúm thông thường mà giá cao hơn gấp 30-40 lần phải do các ngành chuyên môn đánh giá. Vấn đề đặt ra, nếu tác dụng của Tamiflu cũng chỉ như các loại thuốc cảm cúm thông thường thì tại sao bộ Y tế lại phải tốn nhiều tiền dự trữ như vậy".
Chịu trách nhiệm cao nhất vẫn là WHO
Nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm Bộ Y tế cần thống kê việc lãng phí trong quá trình dự trữ Tamiflu.
Theo bà Khá: "Nếu như đây là cú lừa của công nghiệp sản xuất dược đối với nhiều quốc gia trên thế giới thì khó có thể yêu cầu trách nhiệm với bộ Y tế vì Việt Nam cũng là nạn nhân. Trách nhiệm cao nhất ở đây phải là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức này đã khuyến cáo các nước sử dụng Tamiflu trong phòng chống dịch cúm".
Cochrane là một tổ chức phi lợi nhuận với khoảng 30.000 cộng tác viên đến từ hơn 120 quốc gia chuyên tiến hành thu thập và đánh giá các thông tin y tế. Tổ chức này không nhận tài trợ quảng cáo và không có xung đột lợi ích với bên nào.
Là tổ chức chỉ định Tamiflu là loại thuốc cần thiết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói: "Chúng tôi hoan nghênh một phân tích mới và chính xác trên dữ liệu có sẵn và mong muốn xem xét các kết quả nghiên cứu sau khi báo cáo xuất hiện".
Theo Người Đưa Tin
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)