Tập trung đầu tư các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia
Theo kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, từ nay đến 2025, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Các trung tâm này đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp sinh học, kiểm định an toàn sinh học.
Mục tiêu của kế hoạch
Mục tiêu chung là tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp sinh học (CNSH), tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, sản xuất sản phẩm từ công nghệ sinh học trong nông nghiệp, công nghiệp, y - dược, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng.
Cụ thể, đến năm 2025 sẽ đẩy mạnh phát triển CNSH trong các ngành, lĩnh vực trên, ưu tiên nhóm sản phẩm nông nghiệp, y - dược, công thương; tăng 20% số doanh nghiệp CNSH; CNSH đóng góp tối thiểu 5% GDP; đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các doanh nghiệp CNSH, tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển CNSH; xây dựng các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm. Đến năm 2030, tăng tối thiểu 50% số doanh nghiệp CNSH trong các ngành, lĩnh vực kể trên, CNSH đóng góp tối thiểu 7% GDP.
Các nội dung cụ thể
Việt Nam sẽ phát triển doanh nghiệp CNSH để sản xuất những nhóm sản phẩm chủ yếu sau:
Nông nghiệp: Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xử lý môi trường, thức ăn chăn nuôi; sản phẩm phục vụ bảo quản, chế biến; vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi; thuốc thú y sinh học; kít chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản và kiểm soát dư lượng chất cấm.
http://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2017/05/11/0f2sinhhoc.jpg
Y - dược: Vắcxin; giống dược liệu, hoạt chất từ dược liệu, sản xuất và bảo quản dược liệu; thuốc sinh học, kháng sinh, sản phẩm sinh học, kháng thể điều trị bệnh; kít sàng lọc, chẩn đoán, giám định bệnh ở người; thực phẩm chức năng.
Công thương: Chế phẩm vi sinh và sản phẩm thứ cấp từ công nghiệp vi sinh, các chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm, axít hữu cơ, axít amin, protein, enzyme; đồ uống lên men, nhiên liệu sinh học; nguyên liệu hóa dược.
Môi trường: Chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, chất thải y tế, công nghiệp và sinh hoạt.
An ninh quốc phòng: Thẻ DNA nhận dạng cá thể người và các bộ kít chẩn đoán chuyên dụng khác.
Ngoài ra, thiết bị, dây chuyền phục vụ sản xuất sản phẩm sinh học thuộc các lĩnh vực trên cũng được chú trọng sản xuất.
Giải pháp và tổ chức thực hiện
Về giải pháp, Nhà nước sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, làm chủ công nghệ về CNSH; nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN, trung tâm kiểm định an toàn sinh học, phòng kỹ thuật công nghệ của các công ty; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ; bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô công nghiệp và thương mại hóa sản phẩm công nghệ sinh học như giao đất hỗ trợ vay vốn, ưu đãi về thuế...
Trong việc tổ chức thực hiện, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ giúp Chính phủ điều phối, tổng hợp, báo cáo việc thực hiện kế hoạch; chủ trì việc rà soát, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển CNSH, xây dựng mạng lưới quản lý và kiểm định an toàn sinh học trong cả nước...
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chí, lộ trình, nhiệm vụ phát triển CNSH trong lĩnh vực an ninh quốc phòng đến năm 2030.
Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc xây dựng nội dung, lộ trình, nhiệm vụ phát triển CNSH đến năm 2030 và rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách phát triển CNSH trong lĩnh vực mình quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực phục vụ CNSH đến năm 2030.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc huy động các nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài để tăng cường tiềm lực cho các trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia, phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm an toàn sinh học và đầu tư phục vụ phát triển CNSH.
Bộ Tài chính chủ trì việc xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, hợp tác công tư đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển CNSH; phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn công tác quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNSH.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất CNSH sinh học phù hợp với kế hoạch, mục tiêu phát triển của địa phương. UBND các thành phố HCM, Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia.
Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc kế hoạch này được bảo đảm từ: Ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, khuyến khích nguồn vốn tự đầu tư của các doanh nghiệp hoặc đầu tư theo hình thức công - tư để phát triển công nghiệp sinh học.
Thông Tin Khác
Trong và Ngoài Nước
Các nhà khoa học tìm ra chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật cho ngành nuôi trồng thủy sản
2710-2014
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)