Tập trung phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2020
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết, để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2020, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, năm 2019, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho các hộ, cơ sở chăn nuôi; giá cả thị trường có nhiều biến động song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành và công tác phòng chống, dịch bệnh tốt nên tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Số lượng đàn gia súc hiện có đàn trâu 24 ngàn con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò 134.500 con, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Đàn lợn thời điểm trước khi xảy ra bệnh DTLCP tháng 1-2019 có 1,87 triệu con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Đồng Nai), thời điểm sau khi xảy ra dịch, hiện tại có 1,139 triệu con, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm 40,1 triệu con, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó gà 26,5 triệu con, tăng 17,1%.
../tmp/moveData-Navetco/FromOtherLink/3009__nh.jpg
Tổng tẩy uế môi trường là một trong những giải pháp ngăn chặn mầm bệnh. Ảnh tư liệu
Bệnh DTLCP xảy ra từ ngày 24-2-2019 tại quận Long Biên và lây lan trên 24 quận, huyện có chăn nuôi với gần 33 ngàn hộ chăn nuôi (chiếm khoảng 41% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) làm mắc bệnh và tiêu hủy trên 540 ngàn con (chiếm khoảng 29 % tổng đàn).
Sản lượng chăn nuôi với thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2019 ước đạt 1.581 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 10.500 tấn, bằng 98,5% so với cùng kỳ. Thịt lợn hơi xuất chuồng 267.000 tấn, bằng 80% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt gia cầm 118.004 tấn, bằng 121,56% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng các loại: 2.023 triệu quả, bằng 120,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, đến nay bệnh DTLCP cơ bản được khống chế, các bệnh truyển nhiễm nguy hiểm khác không xảy ra dịch lớn (như lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, dại...). Tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán là rất cao do bệnh DTLCP hiện chưa có vác xin phòng bệnh, mầm bệnh đã tồn lưu trong môi trường lớn.
Hoạt động vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật trong dịp này là rất cao, đặc biệt trong mùa lễ hội, sau Tết Nguyên Đán. Thời tiết khi hậu trong thời gian tới cũng biến đổi khó lường, mưa nắng thất thường, nhất là mưa phùn, gió mùa đông Bắc, không khí ẩm thấp, môi trường ô nhiễm nặng là điều kiện mầm bệnh phát triển gây bệnh. Thời tiết khắc nghiệt còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của đàn gia súc gia cầm cũng là nguy cơ dịch bệnh phát sinh phát triển.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Triển khai những nhiệm vụ cụ thể về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, ATTP trên địa bàn TP đảm bảo có hiệu quả để chăn nuôi phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu tập trung việc phát triển đàn lợn đảm bảo ở các cơ sở đủ điều kiện về chuồng trại, dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh. Phải đảm bảo khai báo với chính quyền địa phương, trường hợp vi phạm sẽ không được hỗ trợ của TP khi xảy ra dịch bệnh.
Đồng thời, phát triển mạnh bò thịt và gia cầm để đảm bảo thiếu hụt lượng thịt lợn trong dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Triển khai tiêm phòng các loại vắc-xin đạt tỷ lệ cao để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc gia cầm. Đến nay một số bệnh truyền nhiễm đã được tiêm phòng hoàn thành trên 90% kế hoạch giao là lở mồm long móng cho đàn trâu bò, lợn nái, đực giống, tai xanh, dịch tả, dại, cúm gia cầm.
Tổng tẩy uế môi trường, đây là một trong những giải pháp ngăn chặn mầm bệnh tại môi trường, làm giảm sự lây nhiễm mầm bệnh giữa các vùng cơ sở chăn nuôi. Thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh tại các cơ sở. Tăng cường kiểm tra các bãi rác, kênh mương, kịp thời xử lý xác gia súc gia cầm chết trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm để có biện pháp ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, người tiêu dùng. Với người chăn nuôi tập trung tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn để người dân chủ động phòng chống bệnh ngay từ chuồng nuôi, thực hiện tốt việc tổng tẩy uế môi trường tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi. Khi chăn nuôi lợn phải thực hiện nghiêm việc tái đàn theo quy định, nhập lợn rõ nguồn gốc, khai báo với chính quyền địa phương. Với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm động vật nên mua từ cơ sở bán rõ nguồn gốc, các cơ sở giết mổ đã được cơ quan chức năng kiểm tra…
Tuyên truyền, phối hợp với các DN để nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết. Tạo điều kiện để các cơ sở hộ kinh doanh sản phẩm động vật cung cấp đến tận tay người tiêu dùng. Tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước, thanh tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP để tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm của chuỗi liên kết cung cấp trên địa bàn TP.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)