Tôm nuôi vẫn chất chồng nỗi lo
Doanh nghiệp thủy sản hiện đang tăng cường thu mua tôm nguyên liệu trong nước đã đẩy giá tôm thương phẩm nhích lên chút ít, song chưa khiến người nuôi bớt lo lắng, bởi lãi không nhiều và tình trạng “treo ao” vẫn xảy ra.
Giá tăng trở lại
Hơn một tháng trở lại đây, giá tôm nguyên liệu tại một số tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… tăng nhẹ. Cụ thể, tại Tiền Giang, tôm sú loại 40 con/kg thu mua tận ao với giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 210.000 - 230.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 6. Tôm thẻ chân trắng (TTCT) loại 60 con/kg giá 106.000 - 114.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 86.000 - 90.000 đồng/kg, tăng khoảng 13.000 đồng/kg.
Một thương lái thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, cho biết, giá tôm tăng trở lại là do các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Mặt khác, hiện nay mặc dù các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bắt đầu thu hoạch nhưng sản lượng không nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết trong những tháng đầu năm.
Người nuôi cạn vốn, “treo ao”
Giá tôm hiện nay giúp người nuôi có thể lấy vốn đầu tư tái sản xuất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn trong tình trạng cạn vốn.
Ông Trần Hoàng Hùng ở ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Mỹ A, cho biết: “Gia tôi đình có 10 ao nuôi tôm, tổng diện tích mặt nước 3,5 ha. Từ năm 2014 về vài năm trước, nuôi tôm thẻ chân trắng, đã thường phải treo ao luân phiên do dịch bệnh. Sau vụ tôm cuối năm 2014, bệnh dịch hết 8 ao nên tôi nghỉ nuôi. Vốn liếng cũng đã cạn kiệt”. Mới đây, ông Hùng quyết định chuyển sang thả tôm sú 2 ao, vừa được vài ngày. Còn các ao khác cũng đã cải tạo và đang lấy nước nhưng độ mặn cao nhiều so với cùng kỳ năm trước, nên chờ đợi hy vọng có mưa lớn để giảm độ mặn mới thả giống được.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-con-tom-1197-.jpg
Giá tôm ở một số tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại - Ảnh: Phan Thanh Cường
Theo ông Hùng, chuyển từ nuôi tôm sú sang TTCT cũng vì lý do kinh tế, muốn có lời khá. Nay chuyển từ TTCT sang nuôi tôm sú cũng lý do vậy, thiếu vốn mà mong có đồng lời sinh sống. Cứ lòng vòng với đồng vốn eo hẹp và ngày càng mất dần. Thường mỗi ha nuôi tôm, nếu ngân hàng cho vay cao lắm được khoảng 70 triệu đồng, số tiền chỉ đủ nuôi 1 ao TTCT, nhưng nuôi tôm sú sẽ được 3 ao. Như vậy, nuôi tôm sú thu nhập sẽ không bằng nuôi TTCT, vì dài ngày và năng suất thấp nhưng lúc vốn khó khăn lại là lối đi hẹp phải theo.
Ông Lê Quý Thủy, Trưởng phòng Kế koạch - Tổng hợp của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết: 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh mới thả giống tôm thâm canh, bán thâm canh được 5.151 ha, giảm 31,73% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi giảm và còn thấp so với kế hoạch, do ngoài tình hình rủi ro dịch bệnh như những năm trước, giá tôm nguyên liệu và thời tiết năm nay đều bất lợi. Đặc biệt, do mưa muộn và lượng mưa ít dẫn đến độ mặn vùng nuôi luôn ở mức cao 30 - 35‰, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức trên dưới 22‰, người nuôi tôm rất dè dặt thả giống.
Doanh nghiệp sản xuất giống vẫn khó
Hiện nay, vì tình trạng treo ao của người nuôi nên nhiều đơn vị sản xuất giống đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được.
Ông Quách Hớn Khoa, Giám đốc Công ty CP Việt - Úc Bạc Liêu, cho biết, năm 2015, Công ty lên kế hoạch sản xuất 8 tỷ con giống. Nhưng trong 5 tháng, chỉ xuất bán được hơn 2 tỷ con giống, đạt gần 30% kế hoạch, dẫn đến doanh thu giảm 30% so với cùng kỳ. “Tình hình sản xuất và kinh doanh giống gặp khó khăn lớn, làm đảo lộn nhiều mục tiêu kinh doanh”, ông Khoa cho hay.
Để thích ứng với tình hình chung, Công ty đã giảm sản xuất giống TTCT, chuyển sang sản xuất thêm giống tôm sú đáp ứng nhu cầu chuyển đổi ở một số vùng nuôi. Với giải pháp này, hiện một tháng đã cung cấp cho thị trường trên 400 triệu con giống tôm sú, dự kiến sẽ tăng theo nhu cầu thị trường.
Một giải pháp “đau đớn” khác là Công ty đang phải cho nghỉ việc luân phiên để giảm chi phí. Hậu quả, thu nhấp hàng tháng của mỗi người giảm 50%. Lương tháng bình quân cán bộ nhân viên từ 10 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng. “Đây là giải pháp ngoài mong muốn và bất khả kháng. Hiện chúng tôi đang hy vọng giá tôm nguyên liệu sẽ tăng và nhu cầu thả nuôi cũng tăng lên. Dù vậy, khả năng rất khó đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Khoa nói.
Theo Báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)