Nỗi lo dịch bệnh từ gia súc, gia cầm dịp cận tết
Dịp cuối năm nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường rất cao. Theo đánh giá của cơ quan thú y, đây là thời điểm giao mùa, trời chuyển lạnh, sức đề kháng của vật nuôi yếu cùng với việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương còn hạn chế... là nguyên nhân lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm - là mối lo của ngành chăn nuôi.
“Nóng” nguy cơ lây dịch tại ĐBSCL
Vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan - đó là nhận định của cơ quan thú y các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau khi dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra tại một số hộ chăn nuôi tại xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh)... và gần đây là xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau). Chính quyền địa phương nơi có dịch xuất hiện đã tích cực triển khai công tác phòng chống như tiêu hủy đàn gia cầm bị bệnh, tiêm bổ sung vaccine phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại… Nhưng diễn biến nêu trên cho thấy nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại ở ĐBSCL đang khá cao.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến ngày 1.1.2015 cả nước có dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chưa đủ 21 ngày. Dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc hiện đang xảy ra tại 30 xã, bao gồm: 6 xã thuộc 4 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La), 8 xã thuộc huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), 2 xã thuộc huyện Mường Khương (Lào Cai), 4 xã thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái), xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và 10 xã thuộc 2 huyện Tuy Đức, Đắk Glong (Đắk Nông). Đến nay đã có 480 con gia súc bị mắc bệnh, nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan bệnh LMLM. Qua kiểm tra thực tế cho thấy một số chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc và công tác kiểm dịch vận chuyển con giống tại một số địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập như: Một số chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc khi đưa vào địa phương không thông báo cho cơ quan thú y sở tại biết để tổ chức cách ly kiểm dịch, giám sát dịch bệnh theo quy định; nhiều gia súc được thương lái thu gom, chất lượng con giống không đảm bảo, không có nguồn gốc rõ ràng; quy trình kiểm dịch còn thiếu chặt chẽ…
Giám sát dịch bệnh
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, trong năm 2014 riêng dịch cúm gia cầm đã làm 219.000 gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Còn các bệnh như LMLM, tai xanh gây thiệt hại ngành chăn nuôi những tháng đầu năm. Nhiều địa phương vẫn còn tồn dư mầm bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
Để ngăn chặn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, Cục Thú y thường xuyên lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y - cho biết: “Trong đợt giám sát vừa qua, 4,1% số hộ giám sát có kết quả dương tính với virus cúm. Tại một số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ có xuất hiện virus cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên những ổ dịch này xuất hiện nhỏ, lẻ trên diện hẹp. Đến thời điểm hiện nay, khi nhiệt độ xuống thấp và chuyển mùa, cùng với nhu cầu vận chuyển thực phẩm dịp cuối năm tăng cao đang là điều kiện thuận lợi để virus lây lan”.
Trước nguy cơ bệnh trên gia súc, gia cầm có thể lây lan và phát triển thành dịch, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát vừa có công điện khẩn phòng chống dịch LMLM trên đàn gia súc, đồng thời cũng có Công điện 10000/BNN-TY triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc. Theo đó, từ ngày 20.12.2014 - 20.1.2015 các địa phương tiến hành công tác khử trùng, vệ sinh, tiêu độc theo quy định tại các chợ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở, hộ chăn nuôi, hộ ấp trứng. Kiểm soát chặt đối với gia cầm nhập lậu, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian cận tết.
Theo Báo Lao Động
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)