Trâu bò lậu tràn biên giới: 'Hô biến' trâu bò Lào thành trâu bò Việt

Trong vai những lái buôn trâu bò mới tập tễnh vào nghề lặn lội lên tận biên giới tìm hàng, chúng tôi được nhiều người từng là đầu nậu chỉ vẽ cho đường đi, nước bước để đưa được trâu bò từ Lào về Việt Nam và cách “phù phép” trâu bò Lào thành trâu bò Việt.

Trong vai những lái buôn trâu bò mới tập tễnh vào nghề lặn lội lên tận biên giới tìm hàng, chúng tôi được nhiều người từng là đầu nậu chỉ vẽ cho đường đi, nước bước để đưa được trâu bò từ Lào về Việt Nam và cách “phù phép” trâu bò Lào thành trâu bò Việt.

http://nongnghiep.vn//upload//2015/4/8/665x339_10-24-50_4.jpg

Một đàn dê được dắt từ Lào vào Việt Nam đi ngang qua trạm kiểm dịch nhưng không hề được kiểm dịch

* Chủ tịch xã Nậm Cắn “hiến kế”

Điều ngạc nhiên là khi tiếp cận ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn thì được ông nhiệt tình “hiến kế” đủ thứ với hi vọng sẽ hợp tác cùng chúng tôi “làm ăn” lâu dài…

Hờ Y D, trú tại bản Tiền Tiêu nổi tiếng trong vùng một thời bằng nghề buôn trâu bò qua biên giới. Sau khi gom góp được một lượng tiền, gia đình D quyết định mua một chiếc xe tải hạng nhẹ chuyển sang nhận chở trâu bò. Nhờ phương tiện đó, mỗi ngày anh ta cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng và đỡ vất vả hơn trước.

Giờ đây, khi đã rủng rỉnh tiền trong túi, D chuyển sang nghề “buôn ngồi”, tức là ngồi một chỗ, thấy con trâu, bò nào đi qua ưng mắt thì chọn mua một vài con để bán lại, ăn chênh lệch.

D kể: Dắt trâu bò đi qua cửa khẩu vừa mất công làm thủ tục, lại vừa tốn tiền. Dắt đi đường tắt mới có lời nhiều. Ở bản này, khối nhà buôn trâu bò Lào đều làm như thế cả, không ai dắt qua cửa khẩu đâu.

Khi được hỏi, nếu dắt bằng đường tắt, không có giấy tờ làm sao đưa “lọt” được trâu bò về xuôi, D vô tư bảo: Anh cứ lên xã họ sẽ làm cho một cái giấy mua bán trâu bò giữa những người trong xã với lái buôn là xong mà.

Có giấy tức là xã đã chứng nhận cho anh số trâu bò trên có nguồn gốc rõ ràng. Nếu anh là chủ hàng thì lên xã nộp tiền hoặc nói với người nhận chở hàng nộp đều được hết. Khi có giấy này thì không còn lo việc đi qua các chốt kiểm dịch nữa (?!).

Để kiểm chứng điều anh ta nói, chúng tôi “đánh liều” lên gặp ông Chủ tịch xã Nậm Cắn.

Lân la làm quen với một cán bộ xã, anh này xác nhận những điều mà Hờ Y D nói với chúng tôi là đúng và đặc quyền ấy nằm trong tay ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn.

Vừa bước xuống từ chiếc xe bán tải trị giá gần 1 tỉ đồng, nhìn kỹ bộ dạng của chúng tôi, ông Hờ Chống Nhìa ném về phía khách ánh mắt đầy vẻ ngờ vực. Tôi trình bày vừa mua “hớt ngọn” mấy con bò từ Lào về Việt Nam qua đường tắt, hiện không có giấy tờ để đưa về xuôi nên lên xã để xin làm thủ tục.

Sau mấy phút lưỡng lự, nhìn bộ dạng chúng tôi không có gì phải lo nên ông Chủ tịch xã nói thẳng: xã sẽ cấp cho anh một tờ giấy bán bò của một người trong xã, tức là giúp anh hợp thức hóa mấy con bò trên để chuyển bò về xuôi. Nhưng anh phải nộp lệ phí và tiền bồi dưỡng...
Thấy chúng tôi gật đầu lia lịa cầu cứu, ông Nhìa liền mở máy vi tính rồi in ra cho chúng tôi một tờ giấy bán trâu bò.



http://nongnghiep.vn//upload/2015/4/8/10-24-50_3.jpg
Trụ sở không tên, không số của Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn không có người trực

Đoạn ông lấy bút điền thông tin vào tờ giấy và ký tên vào ô dành cho người bán sau đó ông lại thay mặt chính quyền địa phương viết chứng nhận và ký tên đóng dấu.

Sau khi nộp lệ phí và lấy phiếu thu khoản tiền 20.000 đồng/con trâu bò và tiền bồi dưỡng chúng tôi đã có trong tay giấy mua bán trâu bò. Trên phiếu thu được ghi nội dung lệ phí bến bãi bốc hàng.

Ông Nhìa nhìn chúng tôi với vẻ thông cảm: “Phải mua gốc, bán ngọn mới lời nhiều chớ. Vợ ta cũng làm ăn lớn mà, nó sang tận Lào mua trâu bò, thuê dân trong xã dắt về Việt Nam mỗi năm cũng vài nghìn con, lãi 700-800 triệu đồng mà. Mua ba, bốn con một chuyến như anh thì biết khi mô cho giàu.

Nếu anh muốn, chúng ta sẽ hợp tác làm ăn lâu dài. Tại xã ta có nhiều người buôn như thế đều giàu lắm, có xe ô tô, nhà cao, cửa rộng. Chiếc xe bán tải ta đang đi do vợ hắn mua cho, làm Chủ tịch xã như ta làm chi có nhiều tiền thế...?”.

Trạm kiểm dịch động vật “ngủ đông”

Chúng tôi đến cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đúng vào dịp Đồn biên phòng cửa khẩu đang tổ chức Đại hội Chi bộ nên không thể tiếp xúc được với ai. Sang làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu, được biết, vài năm trở lại đây, không hề có người dân nào hai bên buôn trâu bò đến làm thủ tục hải quan cả.

Còn tại các cửa phụ và đường tắt dọc đường biên, lực lượng hải quan chỉ làm việc khi có hàng buôn lậu bị phát hiện. Nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu trâu bò thì trách nhiệm chính thuộc về... lực lượng biên phòng cửa khẩu và chính quyền địa phương (?).


http://nongnghiep.vn//upload/2015/4/8/10-24-50_5.jpg
Giấy bán bò “khống” và hóa đơn thanh toán tiền do chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cấp cho PV


Chúng tôi tìm Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn với mong muốn nắm thêm thông tin. Nhưng hỏi mãi mà người dân ở đây chẳng ai biết trạm kiểm dịch động vật ấy nằm ở đâu. Nhân viên của trạm kiểm dịch y tế quốc tế đóng tại cửa khẩu Nậm Cắn chỉ sang căn phòng đối diện cho biết: Do không có biển hiệu nên ai cũng tưởng đó là một hộ gia đình thuê ở lâu nay.

Chúng tôi đột ngột xuất hiện, một chị phụ nữ mặc thường phục tự nhận mình là nhân viên của Trạm kiểm dịch thực vật quốc tế Nậm Cắn chỉ vào căn nhà bên cạnh (không có biển hiệu đề tên đơn vị): Trạm kiểm dịch động vật nằm đó, hôm nay họ mở cửa thế nhưng không có ai có mặt cả.

Vừa bước ra trước cửa Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, chúng tôi bắt gặp một đàn dê chừng 40-50 con vừa được 3 người lùa từ Lào về qua cửa khẩu vào Việt Nam.

Một người đàn ông vừa lùa dê đi vừa nói, đàn dê đã được làm thủ tục hải quan và đang trên đường đưa về bản Trường Sơn. Hóa ra dê dắt theo lối mòn rất khó nên họ buộc phải đi qua cửa khẩu, thế nhưng khi qua Trạm kiểm dịch động vật cũng chẳng thấy ai ngăn lại làm thủ tục khám lâm sàng để cấp giấy kiểm dịch theo quy định(?).

Ba giờ chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục trở lại Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn để xin làm việc. Lần này cánh cửa phòng làm việc vẫn mở toang nhưng tại bàn làm việc tịnh không có một bóng người, chỉ nghe thấy tiếng ngáy ngủ đều đều ở phía phòng bên cạnh. Nghe tiếng động, một người đàn ông đang ngon giấc trên giường giật mình tỉnh dậy, vừa nhìn chúng tôi đã ném ánh mắt đầy khó chịu.

Đó là ông Nguyễn Bá Tài, kiểm dịch viên của Trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Ông Tài cho biết: “Chức năng chính của trạm là kiểm dịch động vật trước khi đưa vào Việt Nam. Nhưng trên thực tế lâu nay ở đây bà con chủ yếu chỉ trao đổi một vài con gà, con vịt từ bên này qua bên kia biên giới nên cũng chẳng cần kiểm dịch (?).

Việc buôn bán trâu bò qua cửa khẩu hiện nay không hề có. Trường hợp buôn lậu thì chịu, cái đó phải hỏi chính quyền địa phương...” (!).

Rời Nậm Cắn mà lòng chúng tôi còn canh cánh một nỗi lo. Số trâu bò nhập lậu từ Lào vào Việt Nam hàng năm tại đây, theo lời kể của các nhân vật trong phóng sự này, là không hề nhỏ.

Từ Nậm Cắn, trâu bò nhập lậu được chính quyền xã này hợp thức hóa, tràn về các xã, các huyện khác chỉ bằng những tờ giấy viết tay, không được ai kiểm dịch.

Đa phần số trâu bò lậu nói trên được đưa về chợ Ú (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương) rồi từ đó thương lái phân phối đi khắp cả nước. Nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh từ con đường này rất lớn.

Riêng địa bàn tỉnh Nghệ An, hậu quả lớn nhất là năm nào địa phương này cũng bùng phát các loại dịch bệnh như Tụ huyết trùng, LMLM... khiến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải bỏ ra hàng đống tiền của và sức lực để dập dịch...

Trong quá trình thực hiện phóng sự này, chúng tôi còn nhận được thông tin, tại một số xã khác như Mỹ Lý, Mường Lống… (huyện Kỳ Sơn), tình trạng buôn lậu trâu bò từ Lào sang Việt Nam cũng đang diễn ra sôi động.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc và mạnh tay với hoạt động buôn lậu trâu bò tại các tuyến cửa khẩu dọc biên giới để bảo vệ đàn gia súc trong tỉnh và trong cả nước.

Tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 26/3/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra Công điện số 03-CĐ-UBND gửi UBND các huyện, TP, thị xã. Nội dung công điện nêu rõ, để chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm qua biên giới, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 36/CĐ-UBN ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh “Về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm” và Công điện khẩn số 2144/CĐ-BNN-TY ngày 13/3/2015 của Bộ NN-PTNT “Về việc phòng chống dịch LMLM và ngăn chặn việc nhập lậu gia súc qua biên giới”.

Theo Báo NNVN

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC