TS Triệu Văn Hùng: "Trồng rừng thay thế bằng keo, bạch đàn thì làm sao giữ được đa dạng sinh học
Việt Nam có nguồn tài nguyên rừng phong phú song thực tế có rất nhiều vấn đề tồn tại và chưa có lời giải thoả đáng. Để tìm hiểu vấn đề, VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam.
TS Triệu Văn Hùng - Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam
PV: Trước hết, nhân câu chuyện lũ lụt ở miền Trung vừa qua, có thể nói một trong những nguyên nhân là do phát triển thuỷ điện nhỏ. Thuỷ điện dường như là nguyên nhân khiến rừng bị thu hẹp. Xin ông cho biết, đó có phải là một thực tế?
TS Triệu Văn Hùng: Việc phát triển thuỷ điện là sự đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường nghe nói “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” nhưng thực ra thì phải đánh đổi vì nếu không thì không phát triển được. Vì thực tế là không cái gì có thể tự có, mà phải chấp nhận mất một cái gì đó. Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Còn đánh đổi với một giá quá cao là điều không nên vì khi nhận ra thì đã quá muộn.
PV: Vậy khi các chủ đầu tư làm thuỷ điện, ý kiến của ngành lâm nghiệp thế nào?
TS Triệu Văn Hùng: Cái đó thì tôi tin rằng họ cũng làm thủ tục. Song cá nhân tôi cũng không còn làm trong cơ quan nhà nước nhiều năm nay nên cũng không cập nhật được tình hình. Tuy nhiên, quy trình làm thuỷ điện chắc chắn phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước, có thể là cấp tỉnh, cấp bộ… về vấn đề sử dụng đất rừng để làm thủy điện. Còn liệu có sự móc ngoặc trong đó hay không thì tôi không dám nói bởi vì chúng tôi không có thông tin hay chứng cứ nào. Thế nhưng, chắc các chủ đầu tư phải có được sự chấp thuận thì mới làm được như thế.
Sạt lở ở khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3 (ảnh: Người Lao động)
PV: Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách về phản biện vẫn coi thường ý kiến các hội khoa học chuyên ngành. Theo ông thực tế là thế nào?
TS Triệu Văn Hùng: Điều đó thì rõ. Đúng là các hội có trách nhiệm tư vấn, giám định và phản biện xã hội nhưng chủ yếu là về lý thuyết. Vì để làm được việc đó thì các hội phải được mời vào cuộc. Nhưng thực tế là ý kiến của các hội thường không quan trọng bằng ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế, nếu báo chí quan tâm đến vấn đề này một cách toàn diện thì các hội liên quan trong đó có chúng tôi sẵn sàng chia sẻ quan điểm và góp thêm tiếng của mình.
Tuy nhiên tôi nghĩ, vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các hội còn rất hạn chế. Hiện nay, với các dự án lớn, nhỏ chưa có cơ chế bắt buộc phải có ý kiến của các hội nghề nghiệp, các hội chuyên ngành. Và thực tế, các hội với đội ngũ chuyên gia đông đảo của mình mới chỉ có thể ra khuyến cáo để tham vấn.
PV: Vậy theo ông, cơ chế quản lý rừng phải như thế nào mới hiệu quả?
TS Triệu Văn Hùng: Rừng ở Việt Nam hiện nay có nhiều loại chủ quản lý, bao gồm chủ rừng là tổ chức nhà nước như các lâm trường quốc doanh trước đây nay là công ty lâm nghiệp nhà nước; chủ rừng là hộ gia đình, tư nhân, doanh nghiệp cổ phần; và rừng được giao cho cộng đồng quản lý. Cụ thể với rừng giao cho cộng đồng thì do cộng đồng địa phương nhthôn, bản quản lý, bảo vệ.
Hiện nay, với đối tượng rừng giao cho cộng đồng thì vai trò chủ rừng của cộng đồng chưa được chính thống lắm về mặt tư cách pháp nhân. Còn rừng do UBND cấp xã quản lý (khoảng hơn 2 triệu ha) thì thực chất là chưa có chủ thực sự. UBND xã lại hợp đồng với các hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức như hợp tác xã nông nghiệp, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để bảo vệ rừng và hưởng tiền theo chế độ của nhà nước.
Việc giao rừng cho cộng đồng quản lý có hiệu quả hay không còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Có những nơi, bà con quản lý rất tốt, nếu ai chặt cây thì người ta biết ngay. Nhưng cũng có nơi quản lý chưa được tốt lắm. Nếu những địa phương có hương ước và truyền thống gắn bó với rừng thì sự quản lý của người dân thường tốt hơn và trở thành ý thức tự giác. Thậm chí ai vi phạm thì sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Thực tế đó theo tôi là còn hiệu quả hơn pháp luật của nhà nước.
Tuy nhiên với những khu rừng có nhiều cây quý, giá trị cao thì không loại trừ việc có những đối tượng xấu vì sinh kế đã chặt trộm hoặc tiếp tay cho lâm tặc. Và lâm tặc muốn hoạt động được thì rất có thể phải có sự thông đồng với lực lượng bảo vệ rừng hay chính quyền địa phương.
Song chúng ta cũng phải phân biện rõ ràng là các đối tượng vào rừng khai thác gỗ, chở gỗ lậu thực chất cũng chỉ là người làm thuê cho lâm tặc. Họ chỉ được hưởng công mà các chủ gỗ lậu chi trả. Vì thế, nếu lực lượng kiểm lâm và công an mà dùng súng với họ thì quá thương tâm. Đường dây khai thác và tiêu thụ gỗ lậu là cả một chuỗi phức tạp. Vấn đề là chúng ta phải nghiêm trị được những kẻ đầu sỏ.
PV: Nhân đây, xin được hỏi: Ngoài trường Đại học Lâm nghiệp, chúng ta còn có bao nhiêu trường cũng tham gia đào tạo về lĩnh vực Lâm nghiệp?
TS Triệu Văn Hùng: Đại học Lâm nghiệp là trường số một trong lĩnh vực này. Tiếp đó phải kể đến Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Tây Nguyên, Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Tây Bắc… Ngoài ra, cũng phải kể đến các đại học của nhiều địa phương khác như Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá),.. mà chúng tôi chưa có thống kê cụ thể. Các trường này đang đào tạo nhiều chuyên ngành cho các nhu cầu của ngành lâm nghiệp.
PV: Ông nghĩ gì về tổng diện tích rừng của chúng ta so với năm 1975 khi đất nước thống nhất?
TS Triệu Văn Hùng: Về tổng diện tích rừng so với năm 1975 có thể nói chúng ta đã đạt được thành tự đáng kể về bảo vệ và phát triển rừng. Năm 1975 tỷ lệ che phủ rừng cả nước ta khoảng 34% và hiện nay là 42%, có sự tăng lên rõ rệt. Chỉ có điều là chất lượng rừng chưa được như mong muốn. Có thể nói, rừng trồng ngày nay là hơn hẳn vì có sự đầu tư của doanh nghiệp và nhiều nguồn khác chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân sách theo các chương trình 327 hay 661 trước đây. Rừng trồng do doanh nghiệp đầu tư có chất lượng hơn hẳn do được đầu tư bài bản hơn.
Nhưng đối với rừng tự nhiên thì phần lớn chỉ có màu xanh vậy thôi còn những cái có giá trị trong đó thì chưa bao nhiêu. Về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học thì còn kém nữa. Chúng tôi rất hoan nghênh việc đầu tư thuỷ điện làm mất rừng thì phải trồng rừng thay thế. Song cũng không nên vui mừng quá về những con số đạt được. Vì phá rừng đầu nguồn càng xa thì lại càng là rừng nguyên sinh. Và trồng rừng thay thế chủ yếu là keo, bạch đàn, thông… thì làm sao bù lại được đa dạng sinh học?
Cũng cần phải nói thêm, phải có rừng nhất là rừng tự nhiên thì muông thú mới có điều kiện để sinh sống. Ngoài vấn đề bảo vệ rừng để muông thú có điều kiện sinh sống thì chúng ta còn phải có những nỗ lực lớn để ngăn chặn vấn nạn buôn bán động vật hoang dã. Buôn bán động vật hoang dã có thể nói là siêu lợi nhuận, thậm chí còn hơn cả ma tuý. Đây là vấn đề của toàn cầu không riêng gì Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)