Vẹm xanh dễ nuôi, vốn ít
Đặc điểm sinh học
Vẹm xanh (được đặt tên do vỏ có màu xanh), là một loài trai hai mảnh vỏ có tầm quan trọng về kinh tế trong họ Mytilidae. Vẹm phân bố ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương và đã được nuôi nhiều tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.
Vẹm có hình dạng giống ngao (nghêu) nhưng vỏ thon dài hơn, hình bầu dục và có các đường sinh trưởng mịn. Vùng ngực nằm về phía đáy vỏ, chứ không nằm ở giữa như nghêu. Vẹm non thường có vỏ màu xanh dương, xanh lá cây; khi trưởng thành vỏ chuyển thành màu nâu đen, mặt trong vỏ màu trắng óng ánh. Vẹm sống chủ yếu ở vùng hạ triều đến độ sâu khoảng 10 m nước, độ mặn 20 - 30‰, đáy cứng, đá, sỏi, gỗ… Ở vùng nước lợ (cửa sông) vẹm thường nằm ở đáy nước. Ở vùng thủy triều chúng thường bám chặt rạn đá, san hô với chùm sợi dày.
Cũng như các loài nhuyễn thể khác, vẹm có tính ăn lọc bằng cách hút nước vào cơ thể rồi thải ra, thức ăn được giữ lại ở mang. Thức ăn của vẹm là sinh vật phù du và chất lơ lửng trong nước. Vẹm là loài sinh sản hữu tính, sức sinh sản cao và thành thục sau 1 - 2 năm tuổi, mùa vụ sinh sản chính là tháng 4 - 5 và tháng 9 - 11. Vào mùa sinh sản, khi gặp điều kiện thuận lợi, chỉ một sự biến đổi nhỏ của môi trường (nhiệt độ, độ mặn) thì tất cả các cá thể vẹm (đực và cái) trong khu vực đều phóng sản phẩm sinh dục (trứng và tinh trùng) vào nước. Trứng và tinh trùng thụ tinh trong nước, phát triển thành ấu trùng sống trôi nổi, một thời gian sau đó biến thái và chuyển sang sống bám vào các giá thể. Hình thức sinh sản trên sẽ giúp cho vẹm có cơ hội sống sót nhiều và phân bố rộng rãi hơn. Vẹm có tốc độ sinh trưởng nhanh, sau một năm tuổi chúng có thể đạt 8 - 12 cm cỡ 30 - 40 g/con.
Tình hình nuôi
Ngoài tự nhiên, vẹm xanh là đối tượng dễ khai thác, nên nguồn lợi vẹm đang ít dần. Hiện nay, vẹm xanh là đối tượng nuôi quan trọng ở Việt Nam, khu vực nuôi tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đầm Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế), đầm Nha Phu (tỉnh Khánh Hòa) và Kiên Giang.
Hiện nay, Việt Nam đã chủ động được con giống, tuy nhiên nguồn giống vẫn còn ít nên hình thức nuôi vẹm hiện nay rất ít nuôi treo (giống nhân tạo) mà chủ yếu vẫn là nuôi cọc lấy giống từ tự nhiên. Ở những vùng có vẹm phân bố tự nhiên, người dân chỉ cần mua cọc gỗ (đường kính 5 - 10 cm) dài 2 - 3 m cắm xuống đầm hoặc eo ngách ven biển với mật độ 2 cọc/m2. Sau khi trứng nở 15 ngày, ấu trùng vẹm sẽ bám vào cọc và lớn lên. Sau 4 tháng có thể kiểm tra cọc, loại bỏ bớt nếu mật độ vẹm bám quá dày và có thể chuyển cọc đến khu vực khác nếu thấy vẹm chết rải rác do nước ô nhiễm. Sau 8 - 10 tháng thì có thể thu hoạch. Nên thu hết vẹm trước tết âm lịch để tránh mùa dịch bệnh (tháng 1 - 2), vệ sinh cọc và đợi đến mùa vẹm sinh sản tiếp tục cắm để nuôi vụ mới.
Thịt vẹm có vị ngọt nhẹ, thơm ngon, bổ dưỡng, có thể ăn tươi, hấp, nướng, làm khô hoặc làm đông lạnh để xuất khẩu. Vỏ vẹm xanh có tầng xà cừ dày nên có thể chế tác thành nhiều mặt hàng mỹ nghệ. Vẹm còn được dùng để chế ra dầu vẹm xanh chữa bệnh xương khớp.
theo http://thuysanvietnam.com.vn/
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)