Vò đầu bứt tai, trắng đêm ngó lợn bỏ ăn nằm li bì
Dịch tai xanh bùng phát, hàng trăm con lợn bị tiêu hủy, người dân điêu đứng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sự việc xuất hiện ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Chúng tôi tìm đến xã Hưng Mỹ chiều ngày 19/10, ngay từ đầu đường vào xã và một số thôn xóm, khẩu hiệu thông báo “Vùng có dịch nghiêm cấm lợn ra vào địa bàn” được giăng ngang đường, hàng trăm tấn vôi bột rải trắng các ngõ ra vào của xã.
Theo thông tin nhận được, trung tâm của dịch được phát hiện là tại gia trại của ông Lê Thanh Thiên (SN 1959, trú tại xóm 8, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên vào ngày 15/10 vừa qua.
"Biểu hiện ban đầu khi gia đình tôi phát hiện là đàn lợn bỏ ăn, nằm li bì, một số con bị xuất huyết bên tai, nghĩ lợn chỉ bị ốm như những lần trước, chúng tôi mua thuốc kháng sinh về tiêm, tuy nhiên không những đàn lợn không khỏi mà có phần trầm trọng hơn, sau 3 ngày điều trị không có tiến triển gia đình hoảng sợ nên báo cáo lên chính quyền xã", bà Trần Thị Hà (vợ ông Thiên) buồn bã cho biết.
Cũng theo bà Hà, gia đình đã làm nghề nuôi lợn hơn 10 năm nay, hầu như tháng nào cũng cho xuất chuồng khoảng một đàn lợn thương phẩm với trọng lượng từ một con từ 60 - 70kg, thu nhập của gia đình cũng xoay quanh số tài sản này. Tuy nhiên, dịch tai xanh đã cướp đi của gia đình bà hơn 30 con với trọng lượng 1,4 tấn lợn, thiệt hại hơn 90 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ với ông Thiên là gia đình ông Trần Văn Châu (SN 1960, xóm 8, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên), đây được xem là gia đình bị thiệt hại lớn nhất với trọng lượng phải tiêu huỷ lên tới 2,4 tấn lợn.
“Cách đây 5 ngày, thấy lợn bỏ ăn, tôi mua thuốc về tiêm, gọi thú y xã về cho thuốc nhưng đàn lợn không khỏi, sau khi báo lên chính quyền, ngành thú y huyện về lấy mẫu và xác định đàn lợn bị dịch tai xanh, đến trưa (19/10) 28 con lợn chuẩn bị xuất chuồng phải đưa đi tiêu huỷ", bà Lê Thị Tâm (Vợ ông Châu) cho biết.
Được biết, theo quy định một kg lợn được nhà nước hỗ trợ 38 ngàn đồng, tuy nhiên theo các hộ dân nuôi lợn tại xã Hưng Mỹ thì số tiền hỗ trợ này là quá khiêm tốn, vì thực tế trên thị trường giá lợn giao động từ 45-50 ngàn/1 kg, vậy nên số tiền hỗ trợ ấy chưa đủ điệu kiện để các hộ nuôi lợn có điều kiện tái đàn sau khi dịch được khống chế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Mai (Chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên) cho biết, trước tình trạng dịch tai xanh đang bùng phát trên địa bàn xã, chúng tôi đã lập chốt trực gác 24/24h để kiểm tra gia súc ra vào xã, nhằm ngăn chặn gia súc ra vào vùng dịch, giảm sự lây lan sang địa bàn khác. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung các lực lượng để phối hợp với các ngành chức năng chống chọi với dịch".
Theo Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An, sau khi phát hiện mẫu bệnh heo tai xanh ở xã Hưng Mỹ đã tiến hành tiêu hủy hơn 120 con heo ốm trong vùng dịch, đồng thời triển khai ngay các giải pháp khoanh vùng, dập dịch.
Đến ngày 19/10, Chi cục Thú y tỉnh cấp 60 lít hóa chất Bencocid, các lực lượng chức năng đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khu vực dịch; tiến hành tiêm phòng đồng loạt cho toàn bộ đàn heo vùng dịch và vùng tiếp giáp.
Chiều ngày 19/10, ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng với đoàn chuyên môn đã xuống tận hiện trường thuộc xã Hưng Mỹ để kiểm tra và chỉ đạo ngăn chặn, dập dịch.
Ngành thú y và lực lượng chức năng, người dân tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch tai xanh
Chuồng trại chăn nuôi lợn của người dân Hưng Mỹ giờ trống không
Khẩu hiệu thông báo xuất hiện ở đường vào xã Hưng Mỹ và một số thôn xóm trong xã.
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể kéo dài khoảng 5-20 ngày tùy theo sức khỏe của heo. Vi rút có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang…
Chủ động phòng bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như: Chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát; Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho heo; Mua heo giống từ những cơ sở đảm bảo; Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi: có thể định kỳ sát trùng chuồng 2 tuần một lần bằng các loại thuốc sát trùng thích hợp, không ảnh hưởng đến hô hấp khi heo hít phải.
Theo Báo Tiền Phong
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)