Xuất khẩu tôm vẫn còn thách thức
Đó là chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khi trao đổi với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam về tình hình xuất khẩu tôm trong quý II và cả năm 2016.
Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2016 dự báo sẽ tăng khoảng 12% đạt khoảng 3,3 tỷ USD, ông có ý kiến gì về con số này?
Đúng như dự báo của VASEP, sau một năm ảm đạm, xuất khẩu tôm Việt Nam bước sang quý I/2016 đã khởi sắc với giá trị xuất khẩu đạt 619,2 triệu USD, tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2015.
Một số yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm tăng như: Giá tôm thế giới có xu hướng nhích lên do thị trường tiền tệ bớt biến động (Yên tăng giá; USD, EUR và đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam ổn định hơn); Giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu từ các thị trường chính tăng hơn nhờ cung - cầu ổn định hơn cùng với lượng tồn kho giảm; Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá giảm trong POR9. Nguồn cung nguyên liệu từ các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador giảm do dịch bệnh và thời tiết xấu cũng là lợi thế cho các nhà sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam. Những yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu tôm năm nay cán đích 3,3 tỷ USD.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-Thuy-san-Viet-Nam5119-.jpg
Xuất khẩu tôm vẫn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Nguyệt Nga
Năm 2016, thuế CBPG giảm mạnh và làn sóng FTA và TPP đến gần hơn với Việt Nam, những sự kiện này ảnh hưởng như thế nào đến ngành tôm Việt Nam, thưa ông?
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã ban hành kết quả sơ bộ mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10), áp dụng đối với các lô hàng tôm xuất khẩu từ ngày 1/2/2014 - 31/1/2015. Theo đó, mức thuế DOC áp cho tôm Việt Nam đối với 2 bị đơn bắt buộc gồm Minh Phú Corp và Stapimex lần lượt là 2,86% và 4,78%. Mức thuế sơ bộ cho các bị đơn tự nguyện là 3,56%, cao gấp gần 4 lần so mức thuế chính thức của POR9 (0,91%), nhất là các đối thủ trực tiếp của tôm Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ lại có mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, đây mới là kết quả sơ bộ, chưa áp dụng trên thực tế. Trong tháng 7 tới, DOC sẽ công bố kết quả chính thức mức thuế POR10. Trước đó, trong những lần rà soát, mức thuế suất chính thức thường giảm hơn so với mức thuế suất công bố trong kết luận sơ bộ. So với các mặt hàng thủy sản khác, các hiệp định FTA và TPP mà Việt Nam đã tham gia ký kết mang lại lợi ích cho sản phẩm tôm Việt Nam nhiều hơn và sớm hơn.
Đối với Hiệp định TPP đã chính thức được ký kết, khi có hiệu lực sẽ tạo những ưu đãi về thuế xuất khẩu cho tôm Việt Nam sang 2 thị trường lớn Nhật Bản và Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, với Nhật Bản, tất cả các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh sẽ có thuế 0% (trước: 1 - 10%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực; tôm chế biến bị loại trừ khỏi danh mục giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Lợi thế hơn Argentina, Ecuador và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản. Lợi thế cộng gộp TPP (12 nước) hơn các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia dù 3 nước này đã có cả FTA song phương và đa phương ASEAN với Nhật Bản. Với Mỹ, các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh đã có thuế MFN 0%, tôm chế biến có lộ trình 5 năm đưa thuế về 0%.
Tuy nhiên, với TPP khi có hiệu lực thì tôm Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước cạnh tranh chính là Argentina, Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA với Mỹ. Đối với FTA với Hàn Quốc, nước này đã cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn tôm cho Việt Nam trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%. Tôm Việt Nam có lợi thế hơn 10 nước ASEAN (cụ thể là Thái Lan, Indonesia, Malaysia) khi Hàn Quốc chỉ cấp cho cả ASEAN là 5.000 tấn.
FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã kết thúc cơ bản việc đàm phán. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế của các sản phẩm mà hai bên có thế mạnh trong đó có hàng nông, thủy sản. Tôm tươi/đông lạnh của Việt Nam có lộ trình giảm thuế về 0% (từ mức trung bình 13,5 - 17%) ngay khi FTA có hiệu lực hoặc lộ trình 3 - 5 năm; tôm chế biến có lộ trình 7 năm về 0% (từ mức MFN trung bình 20%).Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: VASEP đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước kiến nghị sửa Thông tư 24 cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ. Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi bỏ quy định “hạn vay đến 31/3/2016” để các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng được có cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để thực hiện sản xuất, xuất khẩu.
Hiện, tôm nguyên liệu tăng giá nhưng người nuôi không có tôm bán, theo ông về lâu dài, người nuôi và các doanh nghiệp cần làm gì để nắm thế chủ động?
Bài học xương máu của người nông dân “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, họ đều biết rõ và phải biết tự điều chỉnh. Vấn đề người nuôi cần được định hướng và nắm bắt thông tin về biến động thị trường trong nước và thế giới để tránh bị ảnh hưởng do tình trạng đổ xô nuôi khi giá lên và treo ao khi giá xuống.
Dù đã khởi sắc nhưng xuất khẩu tôm vẫn còn khó khăn, VASEP dự báo gì trong quý II, thưa ông?
Quý II, nguồn nguyên liệu tôm khan hiếm nhưng chưa tác động ngay đến kết quả xuất khẩu, trong khi các yếu tố cung - cầu thị trường vẫn đang có lợi cho tôm Việt Nam. VASEP dự kiến xuất khẩu tôm quý II sẽ đạt khoảng 780 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-Thuy-san-Viet-Nam5120.jpg
Xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 - 2016 - Nguồn: VASEP
Theo ông, năm nay, khó khăn với thị trường tôm xuất khẩu là gì, Việt Nam nên làm gì để khắc phục những hạn chế này?
Ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng năm nay sẽ phải đối phó với không ít thách thức. Tình trạng hạn hán và nhiễm mặn diện rộng khiến cho sản lượng nuôi giảm. Người nuôi tôm cũng cầm chừng hoặc chủ yếu tập trung nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Do tác động của hạn hán và xâm ngập mặn, giá thủy sản, nhất là mặt hàng tôm có xu hướng tăng.
Hiện, giá tôm đang tăng so với các tháng trước, cụ thể, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá 95.000 - 115.000 đồng/kg, tôm sú cỡ 30 con/kg giá 240.000 - 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá nhập khẩu tại các thị trường vẫn giảm. Giá trung bình tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ 2 tháng đầu năm nay giảm 17% so cùng kỳ năm 2015, đạt 10,5 USD/kg.
Mặc dù giá xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường tiếp tục xu hướng giảm nhưng còn cao hơn so với các nước đối thủ nên vẫn khó cạnh tranh. Ngoài ra, các yếu tố như thuế CBPG, rào cản kỹ thuật của các thị trường, một số quy định chính sách không thuận lợi sẽ tiếp tục chi phối hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay.
Theo báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)