Ô nhiễm nước: Cơn ác mộng của người chăn nuôi thủy sản
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2016, hiện tượng cá, tôm chết trắng sông đã liên tiếp xảy ra, khiến nhiều ngư dân lâm vào cảnh khốn đốn. Tuy các công tác khắc phục hậu quả vụ việc đã được gấp rút thực hiện, nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn là cơn ác mộng lâu dài của người nông dân.
Liên tiếp thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Trong khi người dân ở khu vực sông Cái Vừng (An Giang, Đồng Tháp) còn chưa hết bàng hoàng sau khi hơn 1.000 tấn cá nuôi đồng loạt chết chỉ trong 3 ngày đầu tháng 2, hơn 20 hộ dân ở hạ nguồn sông La Ngà (Đồng Nai) tiếp tục điêu đứng trước cảnh cá nổi trắng các lồng, bè từ tối 26.2.
Ngư dân tại đây cho biết, một lượng lớn cá bị chết trong đợt này đang chuẩn bị cho thu hoạch, vậy mà chỉ sau một đêm họ gần như đã mất sạch. Những ai chưa bị thiệt hại hoàn toàn cũng phải gấp rút tháo lồng, bè và di chuyển lên thượng nguồn để cứu số tài sản còn lại.
Tháng 9.2015, cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) chết hàng loạt, người nuôi thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Ảnh: T.N.O
Điều đáng nói là hai hiện tượng kể trên trên không phải chỉ ngẫu nhiên xảy ra trong một thời gian ngắn. Vài năm trở lại đây, nhiều vùng trên cả nước đã ghi nhận liên tiếp các trường hợp cá nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi thủy sản. Nguyên nhân của hầu hết các vụ việc được xác nhận là do tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Trong những tháng giữa năm 2015, tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có ít nhất 3 lần hiện tượng cá chết trên sông Chà Và, nguyên nhân được xác định do các nhà máy chế biến thủy sản xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả thải trực tiếp xuống sông.
Trước đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở thượng nguồn sông Bưởi (Thanh Hóa) vào cuối năm 2013, sông Nhuệ (Hà Nam) vào tháng 6.2014, dọc sông Vàm Cỏ Đông (Tây Ninh) vào tháng 8 và 11.2014, kênh Nhiêu Lộc (Thị Nghè, TP.HCM) vào tháng 5.2015...
Hàng chục tỷ đồng thiệt hại liên tiếp nối nhau, đẩy nhiều ngư dân, nông dân vào tình trạng vay nợ chồng chất mà tái sản xuất thì lại có nguy cơ lỗ nặng hơn.
“Phòng trước, chống sau” từ cấp chính quyền?
Trước tình trạng đang diễn ra trên quy mô rộng và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn như vậy, sự tham gia của các cơ quan quản lý trong việc đem đến cho người dân những giải pháp mang ý nghĩa lâu dài là vô cùng cần thiết, chứ không chỉ dừng lại ở việc điều tra và giải quyết các sự việc đã xảy ra.
Theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: “Nếu chỉ xử lý môi trường tại từng khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ thì chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề. Câu chuyện ổn định sản xuất đòi hỏi nỗ lực từ cả nhà nước và người dân để "phòng tránh là trên hết".
Theo ông Sơn, nhiệm vụ của chính quyền địa phương là hình thành được những vùng chăn nuôi cân đối, cân bằng sinh thái. Các cơ quan quản lý phân bổ vùng sản xuất dựa trên các phân tích, nghiên cứu về địa lý, môi trường, hệ sinh thái, nguy cơ bệnh dịch, các vùng sản xuất lân cận… Sau đó tiến hành quy hoạch thủy lợi vùng đó cho phù hợp với loại hình chăn nuôi. Tránh tình trạng khu vực sản xuất này lại là nguồn thải của khu vực chăn nuôi khác. Đồng thời, thành lập tổ chuyên gia và lực lượng thanh tra để tư vấn và theo dõi tình hình xả thải của các hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa nguyên nhân có thể ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước”.
Tuy nhiên trên thực tế, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng hiện còn rất hạn chế do có ngày càng nhiều yếu tố phức tạp - cả chủ quan lẫn khách quan - gây ra tình trạng ô nhiễm, làm nhiễu kết quả phân tích quan trắc môi trường. Ngay cả việc kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất vi phạm xử lý chất thải cũng không xuể khi nhiều doanh nghiệp và hộ chế biến nhỏ lẻ vẫn lén lút xả thải ra môi trường.
Nhà nông đừng “mất bò mới lo làm chuồng”
Trước tình hình đó, việc ngư dân chủ động kiểm soát khu vực sản xuất của mình đóng vai trò hết sức quan trọng. Không thể chờ đến khi có thiệt hại mới báo cáo chính quyền địa phương xuống giải quyết.
Thạc sĩ Chu Vân Hải - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.Hồ Chí Minh (CASE), cho biết: “Để đảm bảo cho việc chăn nuôi an toàn và hạn chế rủi ro, người nông dân có thể chủ động thực hiện một vài biện pháp cải thiện môi trường cho cá”.
Theo đó, cần đảm bảo cung cấp đủ oxy trong nước, bố trí các thiết bị sục khí phù hợp, tăng cường sục khí và thả thuốc tăng oxy vào nước khi cần thiết nhằm duy trì hô hấp của cá, cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi.
Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nguồn nước, tăng sức đề kháng và khả năng hấp thụ thức ăn cho cá.
Để tránh hiện tượng “phú dưỡng” (dư thừa các chất dinh dưỡng làm thực vật thủy sinh phát triển mạnh, dẫn đến suy giảm nồng độ oxy trong nước), cần quản lý tốt việc cho ăn.Theo thạc sĩ Chu Vân Hải, tùy theo hoạt động xả thải của các nhà máy sản xuất công nông nghiệp trên địa bàn lân cận mà có thể đề xuất phân tích thêm các chỉ tiêu nghi ngờ như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hay các chất ô nhiễm vô cơ khác (Pb, Cd, As, Hg hoặc kim loại nặng khác).
Một trong các giải pháp tốt nhất để phòng ngừa thiệt hại đáng tiếc xảy ra là duy trì môi trường nuôi tốt bằng cách thường xuyên kiểm tra phân tích các thông số báo động ô nhiễm nước như pH, DO, độ trong, NH3, P, dầu khoáng…
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)