Bắc Giang khôi phục chăn nuôi sau rét
Đợt rét đậm, rét hại trước Tết Nguyên đán làm hàng nghìn con gia súc, gia cầm tại địa bàn tỉnh Bắc Giang bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/3/22/20160314041908-img-4583110838484.JPG
Người dân xã Phong Vân chăm sóc vật nuôi
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, khôi phục sản xuất.
Đồng cỏ rộng, gia súc no
Đợt rét kỷ lục vừa qua, toàn tỉnh có hơn 600 con gia súc bị chết, tập trung tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động, trong đó, Lục Ngạn bị thiệt hại nặng nhất với gần 500 con trâu, bò, ngựa, dê. Ngoài yếu tố do lạnh đột ngột còn do người dân chủ quan, không dự trữ thức ăn, vẫn thả vật nuôi trong những ngày giá rét, thậm chí cả thời điểm xuất hiện mưa băng tuyết.
Ông Nguyễn Văn Kha ở thôn Niêng, xã Phong Vân cho biết: “Dù biết rét không được thả ngoài trời nhưng cũng chẳng còn cách nào khác vì thức ăn chẳng có. Thế nên, gia đình tôi có 6 con dê bị chết”.
Không riêng ông Kha mà hầu hết các hộ tại xã đều chăn nuôi phụ thuộc vào tự nhiên với tâm lý “may nhờ, rủi chịu” mà không có sự chuẩn bị nào dẫn đến thiệt hại lớn trong đó có không ít hộ nghèo.
Mặc dù chưa nhận được sự hỗ trợ song các hộ có gia súc bị chết đều tích cực chăm sóc đàn vật nuôi hiện có. Hộ ông Lý Văn Sẻn, thôn Cầu Nhạc thuộc diện nghèo ở xã Phong Vân bị chết một con trâu mẹ nên trong chuồng chỉ còn 2 con nghé. Từ đó, ông chỉ chăn thả nghé gần nhà, tối đến lùa vào chuồng, bổ sung cháo loãng, cắt nhỏ thân chuối, trộn cám cho vật nuôi ăn.
Đợt rét đậm, rét hại trước Tết Nguyên đán làm hàng nghìn con gia súc, gia cầm tại địa bàn tỉnh Bắc Giang bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tương tự, gia đình chị Lê Thị Viên, thôn Cống Lầu dành khoản vốn được bồi thường từ dự án di dân mua 5 con trâu để phát triển kinh tế. Ai dè gặp đúng thời điểm rét đậm, rét hại lại không có thức ăn cho vật nuôi nên 3/5 con bị chết. Hiện nay, chị chưa có điều kiện tái đàn mà chỉ gắng chăm sóc tốt cho 2 con còn lại để nhanh được bán, thu lại một phần vốn.
Tại huyện Sơn Động, nơi có hơn 100 con gia súc bị chết người dân cũng rốt ráo trong việc chăm sóc đàn vật nuôi. Hộ ông Nguyễn Đỗ Đình, thôn Rạng Đông, xã Long Sơn nuôi 4 con trâu. Ngày ngày, chủ hộ thả trâu và đến tối lùa về chuồng, không còn thả rông như trước. Theo đánh giá của Trạm Thú y huyện Lục Ngạn, Sơn Động, do giá giống gia súc cao nên đa phần các hộ đều ổn định, chăm sóc tốt cho đàn còn lại. Tận dụng đồng cỏ rộng lớn, bà con chăn thả tự nhiên. Đối với đàn gia cầm chỉ chết rải rác, giá giống ổn định nên sau Tết, các hộ tái đàn mạnh.Sở NN-PTNT Bắc Giang đã tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do giá rét. Theo đó, hỗ trợ 4 triệu đồng/con trâu, bò, nghé, ngựa; 2 triệu đồng/con dê; 750 nghìn đồng/con lợn, 15 nghìn đồng/con gia cầm. Tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó 80% từ ngân sách trung ương, còn lại là ngân sách tỉnh.
Tuân thủ vệ sinh an toàn dịch bệnh
Các vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh cũng tất bật. Tại làng nuôi thủy sản Nghĩa Trung (Việt Yên), Cao Thượng, Song Vân (Tân Yên), Hợp Thịnh (Hiệp Hòa); Thái Đào (Lạng Giang), người dân đang vệ sinh ao nuôi, phân loại để thả vụ mới. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, người dân thả cá với mật độ thưa hơn, tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh môi trường ao nuôi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lệ, thôn Nghĩa Hạ, xã Nghĩa Trung nuôi cá bị chết hơn 2 tấn trong đợt rét vừa qua đang chuyển cá giống lên ao. Theo ông Lệ, lấy rơm rạ thả xuống đáy ao làm nơi trú ngụ cho cá đã vô tình dẫn truyền yếu tố gây bệnh do nấm mốc tồn dư ở giá thể chưa được xử lý. Vì vậy, ngay khi thời tiết ấm lên, gia đình đã máy kiệt nước, rắc vôi bột, xử lý ao hơn nửa tháng mới thả lứa cá tiếp theo.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/3/22/20160314041908-img-4615110837983.JPG
Đàn trâu tại xã Phong Minh (Lục Ngạn)
Đánh giá của ngành nông nghiệp, việc khôi phục chăn nuôi sau rét có nhiều thuận lợi. Đó là mưa xuân cộng với tiết trời ấm áp khiến những cánh đồng cỏ tự nhiên ở vùng cao thêm xanh hơn so với nhiều năm trước. Giống gia cầm, thủy sản dồi dào; giá sản phẩm thịt hơi đều cao. Tuy nhiên, đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan diện rộng.
Để bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT Bắc Giang đang đôn đốc các huyện, TP triển khai đợt tiêm phòng vụ xuân. Tại huyện Lục Ngạn với đặc thù có nhiều xã vùng cao, người dân vẫn quen với tập quán thả rông nên Trạm Thú y huyện bố trí nhân lực đến tận địa bàn chăn thả để tiêm vắc xin cho vật nuôi vào sáng sớm, chiều tối.
Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: “Sở vẫn duy trì các đoàn kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. Quan trọng nhất để đàn vật nuôi an toàn là khâu tiêm phòng vắc xin. Do vậy, năm nay, Sở tham mưu và được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ 100% kinh phí tiêm một số loại vắc xin nguy hiểm trên đàn vật nuôi giống và tại vùng trọng điểm thay vì người dân phải đối ứng một phần như trước đây”.
Đi đôi với biện pháp trên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ chủ động kinh phí tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc thương phẩm; chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng chấn chỉnh lại hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển trâu, bò, lợn bệnh. Tăng cường kiểm tra tại các điểm giết mổ tập trung, các chợ nhằm phát hiện sớm những trường hợp động vật bị bệnh mang tiêu thụ.
Theo báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)