Buôn lậu tôm qua biên giới Trung Quốc: Những nguy hiểm khó lường
Ngành tôm thế giới đang đối mặt thêm nhiều khó khăn, giá giảm, dịch bệnh, và những con số thực về tình hình sản xuất đang bị bóp méo bởi nạn xuất khẩu tôm qua cảng Hải Phòng để vận chuyển lậu sang thị trường Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Tôm Trung Quốc đi đâu?
Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhưng ngành sản xuất nội địa cũng không thua kém bởi các con số xuất khẩu tôm vẫn khiến các nước trong khu vực phải kính nể. Tuy nhiên, thực hư ngành sản xuất tôm Trung Quốc lớn mạnh ra sao, và nó đóng góp thế nào cho ngành tôm toàn thế giới vẫn là điều hoài nghi. Theo Mark Godfrey, báo Seafoodsource ghi nhận từ Bắc Kinh, Trung Quốc thì giá tôm nội địa đã giảm do nguồn cung gia tăng đột biến cùng những lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng tôm. Tôm thẻ cỡ 50 con/0,5 kg tại Trạm Giang và Phúc Kiến giá 10 CNY/0,5 kg (1,60 USD/0,5 kg). Tại Quảng Đông, giá tôm thẻ cỡ 50 con/0,5 kg tại trại cũng giảm từ 34 CNY/500 g (5,40 USD/kg) xuống 19 CNY/0,5 kg. Nắng nóng bất thường vào mùa hè khiến nhiều nông dân nuôi tôm tỉnh Quảng Đông ồ ạt thu hoạch sớm làm nguồn cung tôm cỡ siêu nhỏ tràn ngập thị trường và các nhà máy chế biến. Phải chăng một phần lớn nguồn cung tôm các cỡ cho Trung Quốc nhằm phục vụ xuất khẩu là từ các hoạt động buôn bán bất hợp pháp?
Thực tế, việc quản lý lỏng lẻo đã khiến cho một khối lượng lớn các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, không chỉ mặt hàng tôm buôn lậu tràn lan, và trở thành vấn đề gây nhức nhối suốt các kỳ hội chợ thương mại quốc tế. Nhiều container tôm xuất khẩu tới cảng Hải Phòng, sau đó được vận chuyển lậu sang Trung Quốc qua Móng Cái dễ dàng. Chỉ một số ít lô hàng này ở lại Việt Nam vì vẫn có vài công ty Trung Quốc mở nhà máy chế biến tại Việt Nam.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-con-tom-1267.jpg
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn thiếu tôm nguyên liệu để chế biến - Ảnh: VOX
Động lực của việc xuất khẩu hàng tới cảng Hải Phòng, sau đó vận chuyển qua đường biên giới vào thị trường Trung Quốc là nhằm trốn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Khi hàng được chuyển sâu vào thị trường nội địa, những hãng chế biến Trung Quốc cũng trục lợi bằng cách mua lại để có hàng giá rẻ tái xuất.
Ngành tôm thế giới đối mặt khó khăn
Một công ty xuất khẩu tôm tại Ecuador cho biết, đường xuất khẩu qua cảng Hải Phòng vẫn thông thoáng nhưng rủi ro cao. Một số công ty nhập khẩu muốn thanh toán 30% và 70% còn lại sau khi hàng cập cảng Hải Phòng. Điều này không có ý nghĩa kinh tế, nhưng nhiều công ty nhập khẩu lo lắng không nhận được hàng. Chỉ có vài công ty xuất khẩu tôm Ecuador chấp nhận tiền đặt cọc 30%. Bởi vậy, họ bắt đầu chuyển sang hình thức vận chuyển hàng trực tiếp tới Trung Quốc để tránh rắc rối. Lục địa Trung Quốc là điểm đến chủ yếu của các lô hàng xuất khẩu, ít nhất từ giờ tới cuối năm.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), tôm xuất khẩu sang châu Á đạt 135,4 triệu pound suốt tháng 6, tăng 60% so cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 6, Ecuador xuất khẩu 63,4 triệu pound tôm sang châu Á, châu Âu, Mỹ, châu Phi và Mỹ Latinh. 6 tháng đầu năm, nước này xuất khẩu 343 triệu pound tôm, tăng 40% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trực tiếp qua Trung Quốc gia tăng, đồng nghĩa lượng hàng qua cảng Hải Phòng ngày càng ít đi. Điều này sẽ bóp méo những số liệu thống kê thực về tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm toàn thế giới. Lượng tôm xuất khẩu qua Việt Nam, sau đó vận chuyển lậu sang Trung Quốc thường không được thống kê như hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo Jose Bolivar Martinez, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Farallon ở Panama - cơ sở đang điều hành nhiều trại tôm giống, tôm thương phẩm ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, thật khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về nguồn cung tôm toàn cầu khi mà tôm từ Ecuador, Indonesia và Ấn Độ được xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam với mục đích làm nguyên liệu chế biến, để rồi sau đó lại được buôn lậu sang Trung Quốc qua đường biên giới. Nếu những lô tôm này tiếp tục tái xuất từ Trung Quốc thì những số liệu về ngành tôm quốc tế lại càng trở nên rối rắm hơn. Điều này làm những hãng nhập khẩu tôm tại Mỹ và châu Âu vẫn nghĩ rằng sản xuất tôm đang gia tăng và nguồn cung dư thừa; nhưng thực tế không phải như vậy. Những nước nuôi tôm ở Nam Mỹ vẫn kỳ vọng giá tôm sẽ tăng nếu Ecuador giảm mật độ nuôi, cũng như những tác động của dịch bệnh, biến đổi thời tiết được giảm thiểu tại Trung Mỹ và châu Á.
Theo Bolivar, những con số không chính xác khiến ngành tôm thế giới chủ quan, và tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra trong nửa cuối năm nay. Hiện, Ecuador đã giãn mật độ nuôi thả tôm, khiến giá tôm thế giới bị đẩy lên cao. Dù Chính phủ Ecuador bác bỏ tin đồn xuất hiện dịch bệnh EMS nhưng việc giảm mật độ nuôi cho thấy sự lo lắng, bất an của người nuôi tôm nước này trước khi dịch bệnh lây lan.
Theo Báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)