Cảnh báo chăn nuôi dùng tân dược
Một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang có thực trạng nông dân sử dụng tân dược (thuốc Tây) phòng trị bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngành thú y khuyến cáo không nên dùng.
http://nongnghiep.vn//upload//2015/11/29/665x448_16-22-37_1-nong-dn-mu-thuoc-ty-ve-phuc-vu-chn-nuoi.jpg
Thuốc Tây sau khi mua về sẽ được trộn vào thức ăn hoặc nước uống để phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm
Ông Nguyễn Văn Xiên ở ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết, tình cờ trong lần đi dự đám cưới, có một số người “mách nhỏ” cho cách sử dụng thuốc Tây trị bệnh cho gia cầm.
Thuốc mua về trộn chung với thức ăn hay cho vào nước để gia cầm uống đều được. Chẳng biết có phải do hiệu quả của thuốc hay do thời tiết thuận lợi mà 3 lứa gà, vịt gần 200 con khi xuất chuồng đều đạt tỷ lệ sống hơn 90%.
Ông Xiên thấy, mua thuốc Tây giá cao hơn thuốc thú y nhưng bù lại nuôi đạt hiệu quả hơn. Mới đây, tôi có dịp về xã Trường Xuân, huyện Thới Lai tình cờ gặp chị Trần Thị Linh, trên tay cầm bọc thuốc Tây.
Thấy lạ, tôi hỏi chị mua cho ai uống mà nhiều thế? Chị cười trả lời: “Tui mua để nuôi đám gà, vịt nhốt sau nhà để chúng không bị cúm! Từ khi tôi mua thuốc của người mang về cho gà uống và trộn vào thức ăn nên rất hiệu quả. Thuốc dùng cho người được thì dùng cho gia cầm cũng tốt thôi".
Theo các trạm thú y ở TP Cần Thơ, việc người dân chăn nuôi nhỏ lẻ lén lút sử dụng thuốc Tây để phòng trị bệnh trong chăn nuôi là có. Ngành thú y chỉ có thể khuyến cáo không sử dụng, chứ không thể xử phạt.
Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cần Thơ cho biết, việc sử dụng thuốc của người để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm đã xuất hiện từ lâu, nay đã giảm nhiều rồi. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc thú y tốt, người chăn nuôi nên dùng.
Không chỉ trên gia súc, gia cầm, mà cả nuôi trồng thủy sản người dân cũng sử dụng thuốc Tây để phòng trị bệnh. Ông Hai Phước (Trần Hữu Phước) ở ấp Thới Trung, xã Thới Quản, Gò Quao (Kiên Giang) tâm sự năm ngoái, 4 ha tôm - lúa của gia đình đang nuôi bị dịch bệnh, dùng đủ loại thuốc thú y thủy sản theo khuyến cáo nhưng không hiệu quả.
Một số người quen ghi cho tên thuốc Tây, kêu ra tiệm mua về pha nước tạt và trộn vào thức ăn sẽ hiệu quả. Tôi mua về làm thử nhưng tôm vẫn chết.
Theo ông hai Phước, do bí quá nên người ta chỉ gì thì làm theo, chứ chẳng biết hiệu quả ra sao. Ngay cả đó là loại thuốc gì đến giờ tôi cũng chẳng nhớ tên.
http://nongnghiep.vn//upload/2015/11/29/16-22-37_2-thuoc-ty-duoc-tron-vo-thuc-n-de-phong-tri-benh-cho-gi-xuc-gi-cm.jpg
Nông dân mua thuốc Tây về phục vụ chăn nuôi theo kinh nghiệm "truyền miệng"
Ông Lê Hữu Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Quao cho biết, huyện có số lượng đàn gia cầm hơn 10.000 con và diện tích nuôi trồng thủy sản vài ngàn ha.
Việc người chăn nuôi sử dụng thuốc của người để phòng, trị bệnh cho gia súc, gia và thủy sản chỉ là kinh nghiệm dân gian, người này truyền tai người kia.
Hơn nữa, hiện đang nổi lên vấn đề chất cấm trong chăn nuôi, trong đó có việc dùng biệt dược của người để trộn vào thức ăn để tăng trọng, tạo nạc…
Huyện đã ra công văn cấm tuyệt đối tình trạng này và thường xuyên ra quân kiểm tra. Nếu phát hiện sẽ xử phạt nghiêm minh theo pháp luật để tạo tính răn đe.
Theo ông Toàn, việc người dân mua thuốc tây về sử dụng cho chăn nuôi vô tội vạ, vì không có hướng dẫn, liều lượng cụ thể sẽ dễ dẫn đến tồn dư trong thịt.
Nếu sản phẩm này phục vụ cho người tiêu dùng ăn vào lâu dài sẽ nguy hại sức khỏe. Đó là chưa kể đến vấn đề kháng thuốc, sinh ra dịch bệnh khác sẽ rất khó điều trị.“Vấn đề khó khăn hiện nay là tình trạng người dân sử dụng các loại biệt dược dùng trong y tế, thậm chí là cả các chất cấm được nhập lậu để pha trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm tăng trọng hoặc phòng trị bệnh rất khó kiểm soát. Các chất này tồn dư trong thực phẩm sẽ rất nguy hại cho người tiêu dùng”,ông Đức lo ngại.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang Nguyễn Thành Đức cho biết, tình trạng người dân sử dụng thuốc cho người để phục vụ trong chăn nuôi chỉ xảy ra đối với những hộ nhỏ lẻ, số lượng nuôi ít.
Vì thuốc của người thường đắt hơn nhiều so với thuốc thú y, nếu nuôi số lượng lớn thì sẽ làm giá thành tăng cao, không thể cạnh tranh. Ngoài các loại thuốc kháng sinh, trị bệnh thì nông dân còn sử dụng men tiêu hóa của người để trộn vào thức ăn để chăn nuôi.
Báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)