Chăn nuôi bò: cơ hội hay thách thức
Chăn nuôi bò sữa và bò thịt được cho là ngành không có lợi thế trong số các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương khi hội nhập. Song, dường như thực tế đang chứng minh điều ngược lại khi nhiều doanh nghiệp lớn đang đổ hàng nghìn tỉ đồng vào lĩnh vực này.
Tại buổi hội thảo về phát triển chăn nuôi bò diễn ra cuối tuần trước tại Hà Tĩnh, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho hay Việt Nam đang tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó hiệp định FTA với EU và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có ảnh hưởng lớn nhất tới ngành chăn nuôi trong nước nói chung và chăn nuôi bò nói riêng. Theo những cam kết này thì trong vòng từ 3-5 năm tới, gần như thị trường nông sản sẽ mở cửa hoàn toàn cho tất cả các sản phẩm.
Nhiều thách thức lớn
Theo ông Phương, những cơ hội mà hội nhập mang lại cho ngành nông nghiệp không nhiều và chưa rõ ràng nhưng hội nhập lại đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với chăn nuôi trong nước do trình độ phát triển ngành này ở nước ta hiện chỉ ở mức trung bình thấp so với thế giới.
http://www.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/141254/e949d_dsc05713.jpg
Bò thit chăn nuôi công nghệ cao ở Hà Tĩnh – Ảnh: Thùy Dung
Cản trở lớn nhất chính là hạn chế về đất đai để áp dụng chăn nuôi trang trại quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Theo đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người của Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới với 0,25 héc ta/người, trong khi bình quân thế giới là 0,56 héc ta/người và 0,36 héc ta/người trong ASEAN. Có tới 80% hộ nông dân canh tác dưới 1 héc ta.
Bên cạnh đó, chất lượng con giống trong nước rất thấp, đàn bò Việt Nam hiện nay vẫn là bò lai địa phương, trọng lượng chỉ bằng 70% trọng lượng bò ngoại, năng suất sữa bằng 60% so với năng suất sữa bình quân trên thế giới. Tỉ lệ bò lai mới chỉ chiếm khoảng 47% tổng đàn bò thịt và bò giống ngoại nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất thấp.
Trong khi đó, chuỗi liên kết trong ngành còn rất lỏng lẻo, vẫn chưa hình thành được chuỗi giá trị ngành đầy đủ và hiệu quả, nhiều khâu và lĩnh vực trong ngành thiếu kết nối, chưa có trung tâm sản xuất giống bò quy mô lớn để cung cấp thị trường giống bò chất lượng, thiếu các lò giết mổ tập trung, đạt tiêu chuẩn để cung cấp ra thị trường.
Hơn nữa, hội nhập cũng khiến cho ngành chăn nuôi trong nước phải thay đổi để thích nghi với những quy định mới không có trong tập quán sản xuất chăn nuôi trong nước như tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc, giết mổ và vận chuyển vật nuôi.
“Từ năm 2018, hầu như tất cả các loại thuế áp trên sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng sẽ bị dỡ bỏ. Thời gian ba năm là quá ngắn để ngành chăn nuôi bò có thời gian hoàn thiện và khắc phục hạn chế và cạnh tranh được với hàng nhập khẩu”, ông Phương nói.
Việt Nam có lợi thế nuôi bò?
Xem ra những thách thức mà ông Phương đưa ra là không hề nhỏ trong bối cảnh hội nhập. Vậy tại sao, khoảng vài năm trở lại đây, các đại gia lớn đã liên tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa, điền hình như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk hay gần đây nhất là việc khánh thành trại bò thịt và bò giống sử dụng công nghệ cao tại Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Bình Hà với tổng số vốn đầu tư lên tới 4.500 tỉ đồng, trong đó, BIDV cam kết cho vay khoảng 70% tổng số tiền đầu tư.
Theo ông John Marron, Giám đốc quản lý khu vực Đông Nam Á, Công ty đa quốc gia Purcell, chuyên về các hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vật nuôi và tư vấn kỹ thuật, Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò vì quỹ đất của Việt Nam quá thấp.
Song, ngành chăn nuôi bò thịt và sữa bò trong nước vẫn có lợi thế riêng so với thịt nhập khẩu do rào cản tự nhiên là người dân không có thói quen tiêu dùng thịt bò đông lạnh và nhiều mỡ. Hơn nữa, khoảng hơn 70% lượng tiêu thụ thịt bò của người dân là ở các chợ nhỏ lẻ, không có điều kiện bảo quản tốt thịt đông lạnh nhập khẩu. Vì vậy, từ nay tới năm 2018 và nhiều năm sau đó, xu hướng tiêu dùng thịt tươi sẽ khó thay đổi, việc chăn nuôi thịt bò trong nước vẫn có lợi thế hơn so với việc nhập khẩu thịt bò từ nước ngoài.
Ngoài ra, cũng theo ông John Marron, thời tiết thuận lợi, nguồn nước dồi dào cũng là một trong những lợi thế để trồng cỏ và nhiều loại cây trồng khác làm thức ăn chăn nuôi cho bò.
“Do đó, sẽ còn một khoảng thời gian khá dài để ngành chăn nuôi trong nước có cơ hội phát triển và cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, ông John Marron nói.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho hay dư địa phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trong nước là rất lớn. Theo ước tính, các loại thịt bò, thịt trâu, dê ở nước ta chỉ chiếm 9% trong tổng số lượng thịt các loại tiêu thụ mỗi năm, trong khi bình quân trên thế giới là 23%; tỉ lệ tiêu thụ sữa trên đầu người tại nước ta hiện nay rất thấp, bình quân 14 lít/đầu người/năm, trong khi tại Thái Lan là 23 lít, Trung Quốc là 25 lít người/năm.
Thu nhập cao lên, việc tiêu thụ các sản phẩm trên cũng sẽ tăng mạnh trong những năm tới, trong khi đó, hiện nay, năng lực sản xuất thịt bò trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu, sản lượng sữa cũng chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu trong nước. Do đó, trong tương lai gần thì đầu tư vào chăn nuôi bò sữa và bò thịt vẫn có hiệu quả.
Về xây dựng quỹ đất để đầu tư chăn nuôi, ông Chinh cho biết, Bộ NNPTNT đã có chính sách chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao hơn như cỏ, bắp… và tới nay đã chuyển đổi được trên 100.000 héc ta đất. Bên cạnh đó, thời gian tới, nhiều diện tích đất của nông, lâm trường làm ăn kém hiệu quả sẽ được đầu tư, cổ phần hóa hoặc phân bổ lại cho địa phương để bố trí diện tích đất đủ lớn cho ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa.
Nguồn tin: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)