Có vắc xin, dịch tả heo châu Phi sẽ được kiểm soát
Bộ NN-PTNT vừa công bố vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi và lộ trình đưa vào sử dụng. Như vậy, Việt Nam hiện là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và lưu hành thương mại loại vắc xin này.
Việc nghiên cứu thành công và lưu hành thương mại vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi là tín hiệu vui mừng cho người chăn nuôi trên cả nước. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi heo tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).
Vắc xin đầu tiên được lưu hành thương mại
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tổ chức nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm như Công ty CP Thuốc thú y trung ương NAVETCO, Công ty AVAC và Công ty Dabaco phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp nhận giống virus vắc xin, công nghệ và nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, sản xuất, vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty NAVETCO (tiền thân là Viện Quốc gia vi trùng học) là DN trực thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu và sản xuất được Cục Thú y cấp phép lưu hành từ ngày 18/5/2022. Đây là vắc xin mới, để có thêm dữ liệu khoa học về an toàn và hiệu quả phòng bệnh, Bộ NN-PTNT chỉ đạo việc sử dụng vắc xin thực hiện trong 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1, cả nước được sử dụng 600 ngàn liều, tiêm phòng cho heo từ 8-10 tuần tuổi, địa điểm tiêm phòng được giám sát chặt chẽ của Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh, trạm chăn nuôi thú y huyện, thành phố. Giai đoạn 2 sau khi có kết quả thực hiện giai đoạn 1, Bộ NN-PTNT và Cục Thú y xem xét thực hiện sử dụng vắc xin ở quy mô đại trà. Theo công bố của DN, trong điều kiện sản xuất, vắc xin tả heo châu Phi bảo hộ trên 80% tổng số heo nuôi. Độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với heo thịt từ 8-10 tuần tuổi. Giá bán vắc xin đến người chăn nuôi là 36.015 đồng/liều. Trong giai đoạn đầu tiên, công ty ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước, sau đó sẽ có kế hoạch xuất khẩu.
Vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty NAVETCO được phép lưu hành thương mại trong nước và quốc tế. (ảnh: NAVETCO)
Người chăn nuôi vui mừng
Ngay khi biết được thông tin có vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, bà Nguyễn Thị Phương (ấp Láng Găng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) không khỏi vui mừng. Bởi gia đình bà từng mất trắng đàn heo hơn 20 con cách đây 3 năm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Theo bà Phương, từ khi xảy ra dịch bệnh, bà cũng như nhiều người chăn nuôi tại địa phương vẫn luôn mong ngóng ngày có vắc xin phòng, chống được dịch bệnh nguy hiểm này.
“Chúng tôi hy vọng vắc xin sớm được Nhà nước triển khai rộng rãi tới bà con khắp cả nước. Có như vậy, người chăn nuôi chúng tôi mới yên tâm sản xuất được ”, bà Phương cho hay.
Cùng tâm trạng, ông Trần Tâm (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho hay, khi đọc được thông tin Việt Nam nghiên cứu thành công và lưu hành vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi ông không khỏi háo hức. Đây là thông tin ông và nhiều gia đình khác đã trông mong từ nhiều năm nay. “Trong thời buổi chăn nuôi khó khăn này khi thức ăn tăng cao, dịch bệnh nguy hiểm rình rập, nếu đàn heo được tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giảm bớt đi nỗi lo, gánh nặng vẫn đè lên vai người chăn nuôi trong nhiều năm qua”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Bệnh dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước. Bệnh dịch đã buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con heo, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI năm 2020. Đến nay, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Riêng trên địa tỉnh BR-VT, dịch tả heo châu Phi xuất hiện từ tháng 6/2020, dịch bệnh đã lan rộng tại 5 huyện, thị xã với 78 ổ dịch, số lượng heo chết và buộc tiêu hủy là 5.519 con.
Đối với việc vắc xin dịch tả heo châu Phi được nghiên cứu thành công tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, đây là thông tin đáng vui mừng cho bà con chăn nuôi cả nước nói chung và người chăn nuôi BR-VT nói riêng. Hiện đơn vị cũng đang chờ kế hoạch triển khai của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới. Ngay khi vắc xin được sản xuất và lưu hành rộng rãi, đơn vị sẽ nhanh chóng lên kế hoạch triển khai tiêm cho đàn heo các địa phương.
Đối với dịch tả heo châu Phi, đã 21 ngày liên tiếp trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi, cơ bản dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, đơn vị vẫn tăng cường công tác quản lý dịch tễ, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời khi có bệnh xảy ra.
Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp tiêu độc, khử trùng tới người chăn nuôi. Đồng thời, tuyệt đối không chủ quan, lơ là để tránh dịch bệnh bùng phát.
Theo baobariavungtau.com.vn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)