Siết chặt quy trình tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi theo đúng khuyến cáo
100% số vacxin dịch tả lợn châu Phi được tiêm ở Vĩnh Phúc theo đúng khuyến cáo của Bộ NN-PTNT đều cho kết quả khả quan, không xảy ra tình trạng lợn chết.
Cán bộ kỹ thuật của trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) kiểm tra, tiêm thuốc cho lợn. Ảnh: Đức Minh.
Sáng 6/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng đại diện các đơn vị của Bộ liên quan đến vấn đề tiêm vacxin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
Tại đây, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, địa phương đã triển khai tiêm vacxin DTLCP tại 2 trang trại với tổng số lợn được tiêm là 258 con.
“Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành 2 mũi tiêm cho số lợn này, mũi tiêm đầu tiên đã được 32 ngày và 100% đàn lợn sinh trưởng, phát triển bình thường”, ông Lê Xuân Công thông tin.
Theo đó, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, Chi cục Chăn nuôi và thú y Vĩnh Phúc đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng I, Công ty NAVETCO, đánh giá, lựa chọn những trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, sở hữu đàn lợn có tuổi đúng theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.
Riêng trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, số lợn được tiêm là 220 con. “Mũi tiêm đầu tiên được thực hiện vào ngày 2/8 và mũi 2 vào ngày 29/8 vừa qua. Kết quả tiêm 2 mũi cho thấy có vài con lợn sốt nhẹ, đã được chăm sóc và đến nay hoàn toàn ổn định”, ông Lê Văn Hoàng, cán bộ kỹ thuật của trang trại cho biết thêm.
Về tình hình chung, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau khi hoàn thành các quy trình theo đúng quy định và ra được vacxin thành phẩm, đã có 20 địa phương triển khai tiêm với tổng số mũi đã thực hiện là hơn 21.000 liều.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, việc xảy ra lợn chết ở Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi là do quá trình tiêm không tuân thủ các khuyến cáo của Bộ, sai đối tượng, sai chỉ định.
Chia sẻ về định hướng mở rộng quy mô tiêm vacxin DTLCP trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Với kết quả khả quan trên các đối tượng được tiêm đúng chỉ định thời gian qua, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Công ty NAVETCO để triển khai tiêm đến 600.000 liều như kế hoạch đã đề ra”.
Bên cạnh đó, ông Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ siết chặt quy trình để khi triển khai tiêm phải đúng theo chỉ đạo của Bộ, đúng theo hướng dẫn của Cục Thú y, đúng đối tượng, có giám sát cả trước và sau tiêm để đảm bảo hiệu quả khi sử dụng vacxin.
“Với những trường hợp đã xảy ra, chúng tôi xem xét trách nhiệm của những người liên quan để có biện pháp xử lý”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý thêm.
Với tỉnh Vĩnh Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục xem xét, mở rộng lượng tiêm vacxin DTLCP cho các trang trại lợn khác trên địa bàn. Hiện nay, các hộ chăn nuôi của tỉnh đã đăng ký tiêm vacxin cho khoảng 12.000 con lợn.
Trước đó, Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, các trường hợp lợn chết sau khi tiêm vacxin tại Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi là do cung ứng, bán vacxin trực tiếp cho thú y cơ sở và người chăn nuôi tự tiêm không đúng đối tượng chỉ định.
Cụ thể, khuyến cáo của Công ty NAVETCO chỉ tiêm vacxin cho lợn từ 8 - 10 tuần tuổi, nhưng người dân lại tiêm cho tất cả các loại lợn (lợn nái, đực giống, lợn con theo mẹ...).
Một lý do nữa, người chăn nuôi tự tiêm vacxin nhưng không có sự giám sát của các cơ quan thú y và Công ty Navetco. Hệ thống thú y cơ sở và người chăn nuôi do không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến lây lan virus DTLCP thực địa trong quá trình tiêm.
Theo báo Nông Nghiệp
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-LPVAC (PHÒNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ VÀ ĐẬU TRÊN DÊ)
Vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Đậu trên dê
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)