Cúm gia cầm lởn vởn

Virus cúm A/H5N6 độc lực cao được ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014 và đến nay đã hiện diện ở nhiều tỉnh, thành. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiều chủng virus cúm gia cầm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người

Virus cúm A/H5N6 độc lực cao được ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014 và đến nay đã hiện diện ở nhiều tỉnh, thành. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiều chủng virus cúm gia cầm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người

Cuối tuần qua, Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng xác nhận lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện virus cúm A/H5N6 sau khi đoàn kiểm tra lấy mẫu giám sát sự lưu hành của chủng virus này trên một đàn vịt. Ngay sau khi phát hiện chủng virus cúm A/H5N6, cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp chuyên môn để ngăn chặn sự lây lan.

Lây lan nhanh

Vào tháng 8-2014, chủng virus này đã được phát hiện ở Việt Nam. Khi đó, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành giám sát chủ động và phát hiện một số trường hợp dương tính với virus A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

http://nld.vcmedia.vn/k:thumb_w/540/2015/chot-5-1442762946676/cum-gia-cam-lon-von.jpg
Mua bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ lây lan và biến chủng virus cúm gia cầm

Trước đó, chủng virus này từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Đáng lo ngại, kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gien của các mẫu virus cúm A/H5N6 phát hiện ở Việt Nam cho thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng virus cúm A/H5N6 gây mắc và tử vong đầu tiên trên người tại tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc vào tháng 4-2014 cũng như trên đàn gia cầm ở khu vực bệnh nhân sinh sống.

Tại Việt Nam hơn 1 năm qua, chủng virus này đã lan tới Thanh Hóa, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ninh Bình... và mới đây là Lâm Đồng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ chăn nuôi và tăng nguy cơ mắc bệnh từ chủng virus chết người này. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá virus cúm A/H5N6 là chủng có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người. Vì thế, việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng virus mới cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.

Thực tế ghi nhận tại các địa phương có ổ dịch cúm A/H5N6 cho thấy đã có một số trường hợp phải nhập viện do nghi nhiễm cúm này. Điển hình là vợ chồng chủ hộ chăn nuôi gia cầm ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi trong cùng thời gian ghi nhận gia cầm ốm, chết tại gia đình. Sau đó, 2 trường hợp này đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương để khám, chẩn đoán cách ly và điều trị. Rất may, cả 2 âm tính với chủng virus cúm A/H5N6.

Virus cúm liên tục biến đổi

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, sự xuất hiện virus cúm A/H5N6 trên gia cầm ở nhiều địa phương chứng tỏ chủng virus này đang “di cư” trong quá trình vận chuyển, buôn bán gia cầm hoặc qua các đàn chim trời hoang dã. Dù chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N6 ở người nhưng người dân không nên chủ quan bởi hầu hết các chủng virus cúm khi gây bệnh cho người đều có những biểu hiện lâm sàng giống nhau như sốt, ho, mệt mỏi… Trong khi đó, mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 được đánh giá tương đương A/H5N1.

“Trước đây, khi xuất hiện cúm trên gia cầm thì sẽ có ca bệnh trên người nhưng may mắn ở nước ta, hơn 1 năm qua chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1, H5N6 dù nhiều địa phương bùng phát các ổ dịch cúm trên gia cầm. Tuy nhiên, thời gian qua, “bản đồ” cúm A/H5N6 đang nhân lên ở các tỉnh, thành. Đây là điều rất đáng lo ngại vì những biến đổi khó lường của virus cúm” - ông Phu nhận định.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cảnh báo virus cúm A/H5N6 có “họ hàng” với cúm A/H5N1 nên mức độ nguy hiểm cũng tương đương. Chúng nguy hiểm bởi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những virus này, thế giới lại chưa tìm ra vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đặc tính của virus cúm là luôn biến đổi để thích nghi. Theo GS Đức Anh, ngoài chủng cúm gia cầm A/H5N6, H5N1, Việt Nam là một trong những nước đang lưu hành các chủng virus cúm mùa như: H1N1, A/H3N2, cúm B. Hằng năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, chủ yếu do các chủng virus cúm mùa này.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết virus cúm luôn song hành với con người cùng sự tồn tại của gia cầm và các loài chim hoang dã. Sự gia tăng gần đây của virus cúm như một dấu hiệu cho thấy chúng đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng mới. Theo PGS Trần Đắc Phu, hiện virus cúm có 3 type A, B, C. Trong đó, type A thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus độc lực cao, lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, virus cúm A có thể tạo thành gần 150 type cúm. Trên thế giới, một số phân type cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Vài năm nay, thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8.

“Dù chưa phát đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam nhưng đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng virus cúm là rất đáng quan tâm. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo các chủng virus cúm sẽ còn tiếp tục lây lan, biến đổi và tái tổ hợp thành các chủng mới để thích nghi với khí hậu và môi trường sống của con người” - ông Phu lo ngại.

Tiêm phòng bao vây ổ dịch

Ông Hoàng Huy Liệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lâm Đồng, cho biết ngay sau khi có kết quả xét nghiệm xác định virus cúm A/H5N6 xuất hiện tại địa phương, chi cục đã báo cáo với UBND tỉnh và các ngành liên quan. Đồng thời, đơn vị cũng đã tiến hành nhiều biện pháp chuyên môn để ngăn chặn như: tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin; tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của virus cúm gia cầm; khuyến khích người dân báo dịch khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc…

Theo ông Liệu, hiện chưa có vắc-xin để phòng chống lại chủng virus này. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả xét nghiệm, Cục Thú y đã hướng dẫn Chi cục Thú y địa phương tạm thời sử dụng vắc-xin H5N1 Re-5 và vắc-xin H5N1 Navet-vifluvac để tiêm phòng bao vây đối với các ổ dịch cúm gia cầm H5N6. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng chưa ghi nhận sự xuất hiện thêm của chủng virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm.M.Hải

Theo Báo Người Lao Động

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC