Góc khuất của ngành tôm - Bài 1: Nhiều đại gia “treo” ao
Năm 2014 được coi là năm thắng lợi của ngành tôm, khi chỉ riêng con tôm đã mang lại giá trị xuất khẩu tới 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo điều tra của NTNN, ngành tôm đang tồn tại rất nhiều “góc khuất”, trong đó đáng lo là người nông dân đang dần bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Trái với bức tranh toàn “màu hồng” theo báo cáo của các cơ quan chức năng, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, rất nhiều người nuôi tôm đã và đang thua lỗ, buộc phải bán đầm, “treo” ao…
Càng nuôi, càng lỗ
Ở Thừa Thiên- Huế đã có thời xuất hiện rất nhiều chủ đầm tôm được coi là “đại gia” với doanh thu mỗi người lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, “gió đã đổi chiều” nhanh chóng khi giờ đây, nhiều ông chủ đã phải bỏ nghề, bán đầm để trả nợ. Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trình ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, chia sẻ: “Nghề nuôi tôm nếu vào cầu thì lãi nhanh, có thời điểm được giá, một ao tôm 4.000m2 có thể thu lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Nhưng 14 năm nay bước vào nghề tôm, tôi cũng tìm tòi đủ cả mà vẫn năm được, năm mất, trong đó mất thường nhiều hơn được”.
Xuất khẩu tôm tăng nhưng nhiều nơi nông dân vẫn thua lỗ, phải bỏ trống ao (ảnh chụp tại Thừa Thiên - Huế).
Ngay như năm 2014 được coi là “thắng” của ngành tôm, ông Trình cũng bị “bốc hơi” 3 tỷ đồng vì thua lỗ do nuôi tôm. Cũng bởi vì thế, dù đang sở hữu hơn 10ha mặt nước, song ông Trình cũng phải tạm dừng nuôi tôm vì sợ lỗ tiếp.
Một hoàn cảnh éo le hơn ông Trình mà cả “làng” tôm của Thừa Thiên- Huế hầu như ai cũng biết là trường hợp gia đình ông N.V.D (ông này xin được giấu tên). Ông D vốn có hơn 50ha mặt nước để nuôi tôm ở 3 xã của huyện Phong Điền. Những năm trước người ta biết tới ông là người rất thành công trong nghề tôm nên ở khắp nơi kéo về nhà ông học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, ông D gặp nạn tôm chết do dịch bệnh. Để trả nợ ngân hàng, ông D đã phải rao bán đầm nhưng chẳng có ai dám mua vào thời điểm này. Cuối cùng ông chấp nhận bán đầm cho một tập đoàn nổi tiếng của nước ngoài với giá trị chỉ bằng 50% so với giá trị thực (gần 30ha với giá 9 tỷ đồng). 20ha mặt nước còn lại, ông D cũng đành bỏ dở, không dám đầu tư tiếp.
Chia sẻ về những khó khăn, thậm chí thiệt thòi trong nghề nuôi tôm, ông Võ Đức Lợi ở xã Vạn Thọ. huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) nói: “Với 12 ao tôm, tôi lấy tôm giống của công ty có uy tín là Công ty Việt Úc ở Bình Thuận. Nhưng năm vừa rồi, dù đã hạn chế tình trạng tôm chết và giảm thức ăn, nhưng gia đình tôi vẫn bị lỗ hơn 1 tỷ đồng do bệnh chết sớm trên tôm”. Theo ông Lợi, chỉ riêng ở huyện Vạn Ninh, người nuôi tôm năm qua thiệt hại lên tới khoảng 200 tỷ đồng. Trước tình trạng này, hiện ông Lợi đang phải bỏ ao để chờ các công ty giống tìm nguyên nhân tôm chết mới dám thả tiếp.
Theo nhận định của Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận - nơi cung cấp tới 40% lượng tôm giống cho cả nước, năm 2014 người nuôi tôm vẫn bị thiệt hại khoảng 60%. Nguyên nhân chính là năm 2014 xuất hiện loại bệnh mới được người dân đặt tên là “hội chứng chậm lớn”. Chẳng hạn, nếu như trước đây, tôm nuôi 80 ngày có thể đạt kích cỡ 50 – 60 con/kg nhưng giờ nuôi 80 ngày, thậm chí tới 120 ngày tôm nuôi vẫn có kích cỡ 170 con/kg, thậm chí là 300 con/kg, nên dù vẫn có sản lượng tôm để bán cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhưng thực tế người nuôi lại bị lỗ vốn, có nhiều hộ thua lỗ hàng tỷ đồng do chi phí vào giống, thức ăn, công chăm sóc quá lớn.
Giám đốc một doanh nghiệp nuôi tôm giống ở Bình Thuận cho biết: “Thời điểm này ở khu vực phía Nam như mọi năm người dân bắt đầu thả tôm cho vụ nuôi mới, nhưng do dịch bệnh và hết vốn nên hầu hết người dân đều “treo ao”. Hiện nhiều doanh nghiệp tôm giống không bán được giống, tôm bố mẹ nhập về thì đến ngày vẫn cứ đẻ nên mỗi tháng trung bình các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng”.
Nhập khẩu tôm nguyên liệu tăng mạnh
Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), năm 2014 sản lượng thuỷ sản nhập khẩu tăng 39%, trong đó nhập khẩu tôm nguyên liệu chiếm hơn 30%, riêng nhập khẩu giống thuỷ sản tăng tới 404%. Còn số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 11 tháng của năm 2014, tình hình nhập khẩu tôm nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu đã tăng mạnh lên tới 36.000 tấn, trị giá 409 triệu USD.
Là một trong những đơn vị xuất khẩu thuỷ sản, ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết, nhập khẩu tôm nguyên liệu từ nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2014 tăng rất mạnh, số liệu của hải quan 36.000 tấn là tôm đã bỏ đầu, nên con số thực tế còn cao hơn nhiều. “Mặc dù việc nhập tôm nguyên liệu về cũng có lãi, nhưng lợi nhuận ròng không lớn, chỉ đủ trả tiền công cho công nhân nhưng vào thời điểm tôm nguyên liệu trong nước đắt và thiếu hụt thì các doanh nghiệp vẫn lựa chọn nhập khẩu” - ông Thông nói.
Ông Ngô Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội Thuỷ sản tỉnh Cà Mau- một trong những địa phương có diện tích và sản lượng tôm lớn nhất nước với 155.000 tấn tôm năm 2014, cho rằng, năm qua diện tích tôm chết phải lên tới 2.500/8.200ha, trong đó riêng vụ tôm vào mùa mưa cuối năm vừa qua lượng tôm chết lên tới 70%. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ cơ sở tổng hợp lên hiện nay chỉ thống kê những trường hợp bị thiệt hại nặng được hỗ trợ, còn lại hầu như là không thống kê. “Sản lượng tăng nhưng chẳng cơ quan nào thống kê người nuôi có lãi hay không hay chỉ là do tăng diện tích đơn thuần” - ông Sơn nói.
Các cơ quan chức năng đưa ra kim ngạch xuất khẩu tôm hơn 4,1 tỷ USD, nhưng thực tế, lợi nhuận vào “túi” của ai?
Theo Báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)