Kháng sinh thủy sản và chuyện càng cấm càng “cứ”
Tình trạng chất lượng sản phẩm thủy sản ngày càng “lụt” trong kháng sinh không còn mới, tuy nhiên đến bây giờ phương án để ngăn chặn vẫn rất mơ hồ. Có lẽ đã đến lúc ngành thủy sản cần phải có những bước phát triển mới về quy trình nuôi trồng bền vững.
Một vốn, vô số lời
Một vị tổng giám đốc ngành thủy sản từng than thở, thời gian qua chúng ta quan tâm nhiều đến kim ngạch xuất khẩu, diện tích và sản lượng nuôi trồng mà quên đi lĩnh vực hậu cần thủy sản, nhất là lĩnh vực sản xuất tiêu thụ thuốc thú y.
Đơn cử riêng tỉnh Cà Mau, mỗi năm tiêu thụ mặt hàng thuốc thú y thủy sản với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng. Do diễn biến thời tiết mấy năm gần đây khá phức tạp, dịch bệnh nhiều, đồng thời người dân chuyển dần từ quảng canh sang thâm canh, nên việc tiêu thụ các mặt hàng thuốc thú y tăng mạnh, trong khi, việc quản lý lại khó khăn, phức tạp.
Một chuyên gia chia sẻ với chúng tôi rằng, tiêu chuẩn đánh giá một nền nông nghiệp phát triển chính là ở số lượng kháng sinh mà nước đó sử dụng. Nền nông nghiệp càng phát triển, càng phải hạn chế sử dụng kháng sinh. Bởi vậy, nếu xét theo tiêu chí này, thì với khoảng 3.000 hoạt chất thuốc thú y đang lưu hành, Việt Nam đang cho thấy rõ việc lạm dụng thuốc kháng sinh, chưa kể, thông tin cho biết chỉ khoảng 600 hoạt chất được kiểm nghiệm và quản lý tốt. Trong các hội nghị, hội thảo, người nông dân chia sẻ, rất khó xác định chất lượng của thuốc thú y thủy sản. Vì một lô tôm, cá bị bệnh, không biết là do giống kém, do thức ăn kém, thuốc thú y giả hay tất cả các yếu tố đó cùng ảnh hưởng. Nơi này đổ lỗi cho nơi kia, rút cục người nông dân phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam1996-.jpg
Người nuôi nên sử dụng thuốc, kháng sinh hợp lý - Ảnh: Phan Thanh Cường
Phạt vẫn không hết
Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau khi kiểm tra hộ ông Nguyễn Thành Thân, ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, thấy có lưu trữ một lượng khá lớn các mặt hàng thuốc thú y thủy sản như: FIVE STAR, CUN 01, LACTOZYME, Vita C, song qua kết quả xét nghiệm các sản phẩm này hầu như không có các thành phần như đã ghi trên bao bì. Cơ quan chức năng khẳng định đây là hàng giả. Nếu tôm giống người dân còn quan sát được bằng mắt thường để xác định chất lượng thì với thuốc thú y, họ chỉ có thể tin vào nhãn mác bao bì, và các loại thuốc giả rất dễ hoành hành khi ngành in ấn nhãn mác đang bị thả nổi. Trong khi, Cục Thú y cho đăng ký lưu hành đã khoảng 853 sản phẩm khác nhau, trong nước, 68 nhà sản xuất khoảng 734 sản phẩm , thuốc nhập khẩu khoảng 119 sản phẩm. Không những thế, những sản phẩm ngoài danh mục được công khai chào bán khiến cho thị trường thuốc thú y càng hỗn loạn.
Sáng 4/2, UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển công nghệ thủy sản Biển Đông (TP Cà Mau) về hành vi kinh doanh 7 loại thuốc thú y thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, với số tiền 100 triệu đồng. Mặt hàng thuốc kháng sinh dùng trong thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, vốn bị quản lý rất chặt chẽ ở các nước phát triển. Nhưng tại Việt Nam lại diễn ra tình trạng kinh doanh thuốc không được cấp phép khá ngang nhiên, phạt nhiều, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.
Còn Sở NN&PTNT Kiên Giang tiến hành kiểm tra 87 cơ sở, phát hiện 20 cơ sở vi phạm. Thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục gồm: thuốc thú y ANTI SCOUR, thuốc thú y GENTA 30; hữu cơ vi sinh Phân Trùng Đỏ - cải tạo ao nuôi tôm; sản phẩm SUPER YUCCA; sản phẩm THI HAFI; sản phẩm PLANKTON GOLD; sản phẩm SUPER X9; sản phẩm DRT GRANNULA (không có tên công ty). Đoàn Thanh tra đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 125 triệu đồng, mức phạt từ 750 nghìn đồng đến12,5 triệu đồng cho mỗi lỗi vi phạm.
Khi thuốc vô tác dụng
Kết quả làm kháng sinh đồ trên cá bệnh do người dân đem đến tại Phòng Kiểm nghiệm bệnh cá thuộc Chi cục Thủy sản Tiền Giang, trên 10 loại kháng sinh thường dùng phổ biến hiện nay như: Flofenicol, Oxytetracyline, nhóm sulfonamid… thì “đa số các mẫu cá bệnh kháng với khoảng 7 - 8 loại kháng sinh, thậm chí có mẫu cá bệnh kháng với cả 10 loại kháng sinh được dùng làm kháng sinh đồ”.
Tình trạng kháng thuốc diễn ra do lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không khoa học. Dĩ nhiên, khi kháng sinh trong danh mục đã bị kháng, người dân sẽ sử dụng những kháng sinh ngoài danh mục và tác hại của nó đến với con người càng trở nên khó lường. Đa phần người nuôi đều nói rằng, đã không còn biết tin vào đại lý thuốc thú y nào, chỉ tin vào người làm giống, với hy vọng giống tôm, cá tốt thì đỡ bệnh, đỡ phải dùng thuốc. Nhưng hội thảo ngành tôm mới đây, nhiều người làm tôm giống ở Ninh Thuận cũng cho biết tình trạng tôm giống nhiễm kháng sinh đang gia tăng. Người dân mong muốn kiểm soát kháng sinh trong tôm giống. Từ đó đặt ra vấn đề quy trình kỹ thuật sản xuất tôm giống không kháng sinh cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa và đưa ra những quy chuẩn và phương thức kiểm tra chặt chẽ hơn.
Bị động
Các tỉnh thành cho biết, hiện hầu như các hộ nuôi cá tra thâm canh điều phải sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Các nhà khoa học quốc tế cho rằng để giảm việc lạm dụng thuốc kháng sinh thì hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ vaccine với cá tra.
Nhưng đa số người nuôi chưa quen với việc sử dụng vaccine phòng chữa bệnh cho cá và câu hỏi đặt ra là việc sử dụng để ngăn ngừa dịch bệnh có cần những quy định mang tính bắt buộc đối với người nuôi? Nhiều người cho rằng, nếu việc sử dụng vaccine ở các nước là phổ biến thì ở Việt Nam lại khó áp dụng do sản xuất vaccine trong nước hiện nay chỉ chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu sản phẩm trên thị trường. Chưa kể do nuôi trồng cá tra đang thua lỗ nên việc bắt buộc sử dụng vaccine là khó khả thi.
Trở lại với ý kiến của một số doanh nghiệp, rõ ràng muốn người dân tránh được việc sử dụng thuốc kém chất lượng, thì trước hết các doanh nghiệp Việt Nam cần phải sản xuất được thuốc thú y thủy sản chất lượng, giá thành hợp lý, mạng lưới phân phối rộng khắp. Tuy nhiên, do ngành hậu cần thủy sản còn lạc hậu, những doanh nghiệp tham gia sản xuất thuốc thú y thủy sản vừa ít lại vừa yếu, nên việc “để trống, để trắng” địa bàn thuốc thú y vào tay các doanh nghiệp nước ngoài và của “chợ đen” với thuốc giả, thuốc ngoài danh mục là điều dễ hiểu. Muốn chiếm lĩnh thị trường, ngành thuốc thú y thủy sản nói riêng và ngành thuốc thú y nông nghiệp nói chung cần được sự đầu tư căn cơ cần có những bước đột phá trong thời gian tới.
Theo báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)