Nguy cơ cao bùng phát nhiều dịch bệnh gia súc, gia cầm

Từ nay đến đầu năm 2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, cùng với bệnh mới viêm da nổi cục trâu bò có nguy cơ bùng phát, lây lan rất nguy hiểm.

Từ nay đến đầu năm 2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, cùng với bệnh mới viêm da nổi cục trâu bò có nguy cơ bùng phát, lây lan rất nguy hiểm.

 

 


Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và triển khai tái đàn lợn năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Lợn ốm chết không báo chính quyền mà mổ thịt chia nhau ăn...

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021 ngày 19/12, Cục Thú y cho biết hiện tại, cả nước có 96% số xã không có dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.

Mặc dù vậy, hiện cả nước vẫn có 307 ổ dịch tại 307 xã thuộc 108 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày. Bệnh DTLCP cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên thời gian qua dịch bệnh cũng xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Bên cạnh DTLCP, Cục Thú y cảnh báo từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bệnh cúm gia cầm cũng có nguy cơ bùng phát cao do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, kết hợp việc giao thương buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng cao, tổng đàn gia cầm lớn, mật độ chăn nuôi cao, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ và có sự lưu hành của virus cúm gia cầm.

Cục Thú y nhận định thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Một là đặc điểm của virus DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Bên cạnh việc chưa có vacxin phòng bệnh, hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm.

Hai là thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, cực đoan, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch.

Đặc biệt, có tình trạng người dân khi có lợn ốm chết không báo ngay cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y mà mổ thịt chia nhau ăn; chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, có nơi người dân không chủ động tiêu hủy gia súc mắc bệnh hoặc chờ lợn chết mới cho tiêu hủy… dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng.

Một số nơi dịch tái phát từ ổ dịch cũ, hoặc phát sinh tại các hộ tiếp giáp, gần khu vực chăn nuôi với các hộ đã xảy ra dịch bệnh từ năm 2019. Từ đó, dịch bệnh lây lan sang các bản, xã, phường khác trong khu vực.

Một số nơi lợn giống mua về không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó lại chưa đảm bảo an toàn sinh học. Nhiều hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư, đặc biệt tại một số địa phương phương thức chăn nuôi lợn thả rông của người dân còn phổ biến làm dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch.

Một số hộ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt; sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, cho lợn uống.

 

 


Hệ thống thú y cấp huyện nhiều nơi bị xáo trộn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng khiến công tác giám sát, quản lý dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Bền.

Do giá lợn rất cao từ đầu năm đến nay, nên người chăn nuôi tập trung tăng đàn, tái đàn trong điều kiện chăn nuôi có độ an toàn thấp, khó áp dụng các biện pháp phòng dịch bền vững. Việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ bận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch (tự chữa trị với hy vọng khắc phục thiệt hại phần nào vì giá lợn rất cao trong khi chưa rõ ràng về mức hỗ trợ tiêu hủy)...

Bên cạnh đó, việc hệ thống thú y cấp huyện nhiều nơi bị xáo trộn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên công tác giám sát, quản lý dịch bệnh thực hiện chưa tốt. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y, chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Trong năm 2020, Công ty Cổ phần thuốc thú y NAVETCO; Công ty Cổ phần DABACO đã phối hợp với cơ quan Hoa Kỳ về nghiên cứu sản xuất vacxin, chuyển giao giống virus DTLCP.

Ngày 29/7/2020, Cục Thú y đã duyệt cho Công ty NAVETCO nhập khẩu virus DTLCP nhược độc chủng ASFV-G-∆I177L từ Hoa Kỳ.

Hiện nay, Công ty NAVETCO đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Dự kiến, hoàn thành quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, khảo nghiệm, hồ sơ đăng ký lưu hành sản phẩm trong năm 2021.

Bệnh viêm da nổi cục có nguy cơ lây lan nhanh

Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 10/2020 đến 17/12/2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò đã lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và hiện đã xảy ra 93 ổ dịch tại trên 93 xã thuộc 36 huyện của 12 tỉnh, thành phố (bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Nghệ An và Quảng Trị), làm tổng số 1.271 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có trên 193 con chết, buộc phải tiêu hủy.

 

 


Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò không lây lan sang người, tuy nhiên có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng ở nước ta. Ảnh: TL.

Cục Thú y nhận định thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao. Bởi đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam, chưa có vacxin phòng bệnh.

Bệnh VDNC có các véc tơ truyền bệnh (gồm ruồi, muỗi, ve, mòng,… hút máu, truyền bệnh…) là yếu tố chính làm dịch bệnh rất dễ lây lan, khó kiểm soát. Tình hình chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò cuối năm 2020 và đầu năm 2021 gia tăng mạnh.

Bên cạnh đó, điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh… Vì vậy trong thời gian tới, bệnh VDNC có thể sẽ xuất hiện thêm tại nhiều địa phương

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vacxin phòng bệnh, nhưng cần 02 đến 03 tuần nữa để đánh giá vô trùng, an toàn trước khi hướng dẫn sử dụng rộng rãi. Hiện nay, phía đối tác của Jordan cũng đã có văn bản đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam 40.000 liều vacxin phòng bệnh VDNC.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh VDNC, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai công tác năm 2021 ngày 19/12 của Cục Thú y, một số đơn vị thuộc Cục Thú y đề xuất, có thể cân nhắc xem xét việc tạm thời ngừng vận chuyển trâu bò từ Bắc vào Nam, hoặc áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm soát vận chuyển nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh này trong thời gian tới…

Theo báo Nông nghiệp

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho trâu, bò, heo, dê, thỏ NAVET-LPVAC (PHÒNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ VÀ ĐẬU TRÊN DÊ)

NAVET-LPVAC (PHÒNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ VÀ ĐẬU TRÊN DÊ)

Vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Đậu trên dê

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC