Phát hiện "SỐC": Có chất gây ung thư trong thức ăn chăn nuôi
Các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT vừa công bố một phát hiện gây sốc, đó là ngoài chất tăng trọng lợn, chất vàng ô (VAT Yellow - dùng trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng) cũng được dùng để trộn vào thức ăn chăn nuôi. Đáng chú ý là chất này không được dùng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư ở người.
“Chất cấm” mới có khả năng gây ung thư
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) cho biết, vừa qua việc các cơ quan truyền thông tăng cường đưa thông tin về chất cấm là rất cần thiết, nhằm cảnh báo về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới sức khỏe người tiêu dùng, tạo thành dư luận xã hội tẩy chay tình trạng sử dụng chất cấm. Cũng qua các cơ quan thông tin đại chúng, vấn đề chất cấm đã làm “nóng” dư luận nên các cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn tố giác của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ảnh to: Sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn sẽ gây ung thư cho người ăn. Ảnh minh họa chụp tại Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Đ.D (Ảnh nhỏ: Que thử chất cấm đã được thử nghiệm rất thành công. Thanh Xuân).
“Qua các đơn tố giác, chúng tôi đã tổ chức thanh kiểm tra và khi lấy mẫu lại phát hiện thêm một “chất cấm” khác, đó là vàng ô. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chất này có thể gây ung thư trên động vật thực nghiệm và có nguy cơ gây ung thư ở người” - ông Dũng cho biết. Cũng theo ông Dũng, hiện Thanh tra Bộ NNPTNT đã phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (những nơi có đơn tố giác về chất cấm) để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong thời gian tới.
Liên quan tới “chất cấm” mới, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích: Qua xác minh cho thấy, chất vàng ô là chất nhuộm sử dụng trong các ngành công nghiệp dệt, nhuộm, xây dựng, không có trong danh mục làm thực phẩm. Thực tế, chất này không có tác dụng tăng trọng mà chỉ có khả năng tạo màu. Khi sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số doanh nghiệp không mua các chất tạo màu sử dụng trong thực phẩm mà lại lấy chất vàng ô để trộn vào thức ăn chăn nuôi. Chất này có tác dụng làm vàng da, nên thường được sử dụng trái phép trong chăn nuôi gà vào giai đoạn vỗ béo. Nguy hiểm nhất là chất vàng ô gần như không bị đào thải khỏi cơ thể vật nuôi trong suốt quá trình chăn nuôi.
Thử nghiệm thành công que test nhanh
Theo Thanh tra Bộ NNPTNT, liên quan tới chất cấm Salbutamol làm tăng trọng lợn của 2 “ông lớn” trong ngành chăn nuôi là Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO) và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, sau khi cơ quan chức năng “chỉ tận tay” các điểm yếu trong quản lý của đơn vị thì đến nay, các đơn vị này đã tạm thời kiểm soát được chất cấm. “Thực tế là lợn của 2 doanh nghiệp này sau khi xuất bán đã bị các thương lái vỗ béo bằng cách sử dụng chất cấm. Một số thương lái còn ép các hộ dân bằng “chiêu thức” nếu không cho heo ăn chất tăng trọng thì thương lái sẽ không thu mua” - ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành cho biết.
Để kiểm soát chất cấm ở một số doanh nghiệp có số đầu lợn lớn, Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, đang theo dõi chặt việc xuất bán lợn của các đơn vị này để tránh tình trạng xuất bán cho thương lái rồi mang về vỗ béo bằng chất cấm. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là một sớm một chiều có thể kiểm soát được ngay. Chỉ riêng Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã có tới 4.000 trang trại thì các cơ quan chức năng không đủ lực lượng, cảnh sát môi trường… tới từng chuồng gà, chuồng lợn kiểm tra được. Vấn đề là chúng ta cần có phương pháp quản lý.
Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, để chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, hoá chất độc hại trong chăn nuôi, biện pháp quan trọng nhất là chúng ta phải vận động, tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hoá giám sát, xã hội hoá tố giác. Người chăn nuôi, sản xuất cám, người dân phải tự giám sát, tố giác, chứ không cơ quan quản lý nào đi kiểm tra hết được. “Chúng ta không thể để những đối tượng kinh doanh bất chính trục lợi trên lưng những người làm ăn chân chính. Khi sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng có thể quay lưng, tìm thực phẩm khác. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì chưa cần tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chăn nuôi có thể thua trên sân nhà rồi” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết thêm, hiện cơ quan chức năng đã phối hợp với GS-TS Đào Ngọc Sơn nghiên cứu tại phòng thí nghiệm que thử (test) chất cấm nhanh và rất thành công. Chỉ sau 5 phút nhỏ nước tiểu lên que thử, nếu vạch chữ T không mất đi là có chất cấm. Chỉ cần điều chỉnh các quy định hiện hành là các cơ quan chức năng có thể áp dụng que thử vào kiểm soát chất cấm ngay trong tháng 10.
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)