Phòng dịch cúm gia cầm, MERS-CoV trong dịp tết
Trong thời gian này, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục được ghi nhận; cúm gia cầm vẫn xảy ra trên gia cầm tại nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Bộ Y tế đã gửi công văn đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2018
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh cúm A(H7N9) vẫn xảy ra tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, bệnh dịch cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) vẫn xảy ra trên gia cầm tại nhiều khu vực và có nguy cơ lây truyền sang người.
Đồng thời, thời tiết mùa Đông-Xuân, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh-đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo UBND các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả không để bùng phát dịch bệnh tại địa phương.
http://phapluatxahoi.vn/stores/news_dataimages/thinhanplxh/012018/22/14/in_article/0014_cum_gia_cam.jpg
Một số bệnh cúm trên gia cầm có khả năng lây truyền sang người trong dịp Đông-Xuân
Cùng đó, chỉ đạo Sở Y tế tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, xâm nhập, dịch bệnh mùa Đông Xuân, các bệnh hay gặp trong dịp Tết, lễ hội; tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.
Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời thông báo cho ngành y tế để có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)