Xuất khẩu cá tra sang Mỹ lại gặp thêm trắc trở
Vừa qua các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cảnh báo nhiều bất lợi xảy ra trên đường xuất cá tra vào Mỹ. FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã tăng tần suất kiểm tra các lô hàng cá tra nhập khẩu vào Mỹ.
Vừa mất thời gian, chi phí kiểm tra tăng lên và nếu kiểm không đạt hàng bị trả về phải tốn thêm chi phí vận chuyển, lo tái chế...
Lo nhiễm chất cấm
Nói chung các lô hàng thủy sản xuất khẩu nếu gặp rủi ro trong quá trình kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của nước sở tại nhập khẩu thì sẽ phát sinh ra nhiều việc rất nhiêu khê. Giám đốc một DN xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ nhận xét như vậy và thừa nhận có tin 20% các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ bị kiểm tra. Lý do họ dẫn ra là trước đó phát hiện một số lô hàng có nhiễm chất cấm vượt chỉ tiêu cho phép. Dù rằng cho đến nay chưa có thông tin rõ ràng có bao nhiêu lô hàng của mỗi DN nào bị phát hiện nhiễm chất cấm. Do vậy các DN ngành hàng cá tra dự cảm con đường xuất hàng cá tra qua Mỹ sẽ còn lắm gian nan.
Theo các DN xuất khẩu cá tra, chính vì dự liệu trước khả năng xảy ra xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ gặp khó khăn, Bộ NN-PTNT ban hành quy chế áp dụng chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chứng nhận VSATTP đối với 100% lô hàng cá thuộc bộ silurifomes-catra xuất khẩu vào Mỹ, thời gian áp dụng từ 17/4 đến 31/8/2017. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm Bộ NN-PTNT đưa ra cũng trùng với chỉ tiêu mà Mỹ đang áp dụng. Tất cả các chỉ tiêu do Bộ NN-PTNT ban hành đều nằm trong danh mục thuốc/hóa chất cấm (như Salmonella là vi khuẩn gây bệnh thương hàn, nhiễm trùng máu; Malachite Green còn có tên khác là Leuco malachite hay Crystal Violet/Leuco Crystal là hóa chất trị bệnh ký sinh trùng; Enrofloxacine, Cifrofloxacine và Nitrofurazone là kháng sinh trị bệnh do vi khuẩn gây ra).
Tuy nhiên có thể nhận thấy mối lo của các DN xuất khẩu cá tra gần như soi vào quá trình SX từ vùng nuôi. Nghi vấn truy xét bắt đầu từ môi trường nuôi do ô nhiễm nguồn nước cùng với chất lượng cá giống quá xấu khiến người nuôi cá phòng trị bệnh bằng cách tăng dùng thuốc kháng sinh. Song, đó là chuyện nếu có đã xảy ra từ những năm đầu với số hộ nuôi cá nhỏ lẻ còn chiếm số đông.
Trong khi gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hải, thành viên nuôi cá tra của HTX Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ, là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi cá tra nói: Suốt 4 năm qua tôi cùng với một nhóm hộ dân đã chuyển sang nuôi cá tra gia công cho Tập đoàn Sao Mai. Về nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản phòng trị bệnh cá do bộ phận kỹ thuật của Tập đoàn này hướng dẫn đúng danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT. Chúng tôi lo phòng bệnh chứ không dám tự tiện trị bệnh. Đến khi nuôi cá trọng lượng khoảng 700-800 g/con nhân viên công ty đến lấy mẫu cá kiểm nghiệm xem có tồn dư các chất cấm hay không. Như vậy thì làm sao cá tra bị nhiễm chất cấm cho được?!
Rào cản tăng dần
Các DN xuất khẩu cá tra lý giải tình hình xuất khẩu cá tra vừa qua tăng mạnh trong những tháng đầu năm không chỉ do thị trường Trung Quốc hút hàng, dẫn đầu thị phần các nước mà các nhà nhập khẩu cá tra từ Mỹ cũng đẩy mạnh nhập hàng trước thời điểm tháng 9/2017, vì lo ngại Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng Luật nông trại (Farm Bill) đối với cá tra của Việt Nam. Vì vậy nguồn cung cá tra nguyên liệu có lúc không đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu khiến cho cá nguyên liệu trong vùng tăng giá.
http://image.nongnghiep.vn/upload/2016/12/14/15-17-50_nh-3.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu
Thế nhưng diễn biến thực tại gần đây trái với dự đoán ban đầu, bởi việc tăng tần suất kiểm tra hàng cá tra vào Mỹ mới đây đã làm cho số lượng hàng cá tra nằm lưu kho chờ kiểm tra thêm nhiều, còn hàng được thông quan vào Mỹ thực tế lại giảm. Mặt khác dù Mỹ cấp phép cho hơn 40 DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thực tế chỉ có chừng 4 DN xuất hàng nhờ có được mức thuế xuất thấp.
Sau khi còn lại số rất ít DN qua được rào cản thuế quan, các DN xuất khẩu cá tra từng tiên liệu việc tăng mức kiểm tra ATVSTP cá tra vào Mỹ chẳng khác nào dựng rào cản kỹ thuật cho bước tiếp theo. Và nếu tới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ áp dụng việc triển khai chương trình giám sát cá da trơn theo quy định Luật nông trại (Farm Bill) sẽ là rào cản gắt gao hơn. Bên cạnh các điều kiện quy định trước đây của FDA, các DN xuất khẩu cá tra phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương đồng giữa cá tra Việt Nam với cá da trơn Mỹ từ con giống, thức ăn, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, ATTP... nghĩa là rào cản kỹ thuật này sẽ siết chặt kiểm soát gắt gao cá tra đến thị trường Mỹ.
“Phần lớn sản lượng cá tra thịt là từ các DN chế biến xuất khẩu có vùng nuôi cá nguyên liệu. Quy trình nuôi, loại thuốc hay hóa chất sử dụng đều do DN quyết định. Do đó, DN hoàn toàn có thể tránh được việc sử dụng thuốc/hóa chất cấm.
Trong nuôi trồng thủy sản, các nhà khoa học khuyến cáo không được dùng thuốc BVTV, vì có thể gây ô nhiễm môi trường và mất ATVSTP. Các nhà quản lý đã ban hành danh mục thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Do đó biện pháp ngăn chặn là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sử dụng thuốc/hóa chất cấm”, PGS.TS Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản - Đại học Cần Thơ
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)