Thận lợn có thể chạy tốt trong cơ thể người bệnh
Các chuyên gia y tế Mỹ cấy ghép thành công một quả thận lợn vào cơ thể người bệnh và nó đã vận hành khá suôn sẻ - coi như một 'phép màu tiềm năng'.
Các chuyên gia y tế Mỹ cấy ghép quả thận lợn cho bệnh nhân. Ảnh: AP
Theo đó, cuộc phẫu thuật cấy ghép thận lợn cho người bệnh được thực hiện vào ngày 25 tháng 9 vừa qua. Quả thận hiến tặng được lấy từ một con heo chỉnh sửa gen (GM) và cấy ghép cho một nữ bệnh nhân chết não đang thở máy mà gia đình người bệnh đã đồng ý cho phép các bác sĩ tiến hành cuộc thí nghiệm kéo dài hai ngày, vì mục đích nghiên cứu khoa học.
Ông Robert Montgomery, giám đốc Viện cấy ghép tại Đại học New York (NYU) Langone, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Nó đã làm được những gì nó phải làm, đó là loại bỏ được chất thải và tạo ra nước tiểu”.
Và điều quan trọng là cơ quan nội tạng này có thể làm giảm mức độ phân tử creatinine, một chỉ số quan trọng của chức năng thận được ghi nhận đã tăng lên ở bệnh nhân so với trước khi cấy ghép.
Được biết nhóm cấy ghép do ông Montgomery chủ trì đã tiến hành phẫu thuật với một số đồng nghiệp trong khoảng hai giờ đồng hồ. Họ đã ráp nối quả thận của lợn với các mạch máu ở chân của bệnh nhân chết não để có thể quan sát toàn bộ quá trình và lấy mẫu sinh thiết.
“Nó tốt hơn cả kỳ vọng của tôi. Ca cấy ghép thận được lấy từ những con lợn chỉnh sửa gen đã mở ra cơ hội mới và đây sẽ có thể trở thành nguồn tạng bền vững", bác sĩ Montgomery chia sẻ.
Đối với cá nhân ông Montgomery, nghiên cứu này còn mang một khía cạnh cá nhân vì bản thân ông cũng từng nằm trong danh sách chờ được ghép tim, thứ mà cuối cùng ông đã nhận được cách đây hai năm.
Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng thận lợn có thể tồn tại trong cơ thể các động vật linh trưởng không phải con người trong tối đa một năm, nhưng đây là lần đầu tiên nó được thử nghiệm với bệnh nhân bằng xương bằng thịt. Được biết các thí nghiệm cấy ghép thận của động vật cho người đã bắt đầu từ thế kỷ 17 nhưng đến nay đều chưa có kết qủa. Tiều biểu nhất là thí nghiệm ghép một quả tim của khỉ đầu chó vào một đứa trẻ sơ sinh nổi tiếng với tên gọi "Baby Fae" vào năm 1984, nhưng chỉ giúp đứa trẻ sống được 20 ngày.
Con lợn hiến tặng được chuyển đổi gen, được đặt tên là GalSafe do hãng Revivicor của tập đoàn United Therapeutics Corp phát triển. Nó thuộc chọn lọc từ một đàn lợn đã trải qua quy trình chỉnh sửa gen để loại bỏ gen tạo ra một loại đường cụ thể, nếu không sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh và dẫn đến đào thải nội tạng.
Nhóm các bác sỹ tiến hành ca cấy ghép thận lợ cho người. Ảnh: Reuters
Mặc dù lạc quan với kết quả thử nghiệm nhưng ông Montgomery cho biết: “Mọi chuyện vẫn còn là một câu hỏi điều gì sẽ xảy ra sau ba tuần, ba tháng, ba năm nữa. Cách duy nhất mà chúng tôi thực sự có thể trả lời đó là biến điều không tưởng này thành sự thật. Và tôi nghĩ đây là một bước trung gian thực sự quan trọng, nó cho chúng ta biết rằng ít nhất ban đầu, mọi thứ có thể sẽ ổn”.
Các chuyên gia dự định sẽ gửi kết quả nghiên cứu cho một tạp chí khoa học trong tháng 11 tới và cho biết một cuộc thử nghiệm lâm sàng có thể diễn ra trong khoảng một hoặc hai năm.
“Tin tức này là một thành tựu khoa học quan trọng trong lĩnh vực cấy ghép tạng. Nếu được xác nhận, đó sẽ là một bước tiến lớn trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng và có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nội tạng hiến tặng”, Hynek Mergental, bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Birmingham ở Anh cho biết trong một tuyên bố.
Theo dữ liệu chính thức của ngành y tế, có gần 107.000 người bệnh Mỹ đang ngóng chờ được hiến một cơ quan nội tạng, trong đó có khoảng 90.000 người trong số họ cần một quả thận. Hiện mỗi ngày có 17 người dân Mỹ chết trong khi chờ được hiến tặng nội tạng.
Theo báo Nông Nghiệp
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)