Cẩn trọng khi “mở đường” cho gia cầm Trung Quốc
Nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ Trung Quốc lâu nay luôn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, đặc biệt là gà thải loại. Nhưng vừa qua, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) và đại diện phía Trung Quốc lại thảo luận, bàn giải pháp “hợp thức hóa” để mở đường cho sản phẩm động vật, trong đó có gia cầm, từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Chợ gà Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội - Ảnh minh họa: Thùy Dung
“Mở đường” cho gà Trung Quốc
Mới đây, vào ngày 26 và 27-1-2016, Hội nghị song phương Việt Nam -Trung Quốc về hợp tác thú y, tăng cường giám sát và kiểm soát dịch bệnh động vật qua biên giới đã diễn ra tại Hà Nội. Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website của Cục Thú y, đây là cuộc họp song phương chính thức lần thứ tư giữa cơ quan thú y hai nước.
Mục đích chính của cuộc họp là để tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan thú y trong việc chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát dịch bệnh lây truyền qua biên giới, đồng thời tạo cơ hội thảo luận song phương về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh động vật, thương mại động vật, sản phẩm động vật an toàn hơn qua biên giới.
Hội thảo đã chia sẻ các kinh nghiệm, thành tựu trong việc khống chế, thanh toán bệnh cúm gia cầm độc lực cao, bao gồm các hoạt động giám sát và nghiên cứu chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, đáng chú ý, theo website của Cục Thú y, là “Hội thảo cũng nhằm mục đích xúc tiến về việc thương mại bước đầu một số loại động vật, sản phẩm động vật an toàn của hai nước dựa trên tình hình thực tế, đặc biệt là xuất khẩu thịt gà và gà con 1 ngày tuổi từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng như xuất heo thịt và bò từ Việt Nam sang Trung Quốc”.
Song, hợp tác Việt Trung trong lĩnh vực gia cầm đang đặt ra mối lo ngại đối với không chỉ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vốn đang khốn đốn với gà nhập khẩu giá rẻ mà còn về an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, tình hình cúm A (H7N9) vẫn diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Mới đây nhất, một ca nhiễm virus cúm gia cầm A (H7N9) đã được ghi nhận tại tỉnh Sơn Đông. Từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016, đã có 44 ca nhiễm ở Trung Quốc, trong đó có 10 ca tử vong.
Vậy tại sao Cục Thú y lại “mở đường” cho gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam một cách chính thức?
Trả lời câu hỏi trên cho báo giới, Cục Thú y cho biết, việc thúc đẩy thương mại trong nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước nhằm kiểm soát an toàn đối với gia cầm nhập khẩu.
Hiện, Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Trung Quốc vẫn đang đàm phán song phương các vấn đề liên quan đến quy trình này và cho biết thêm, để đi tới một thỏa thuận về thương mại động vật và sản phẩm động vật giữa hai nước còn cần nhiều thời gian và qua nhiều bước. Và hiện nay, tất cả các nội dung nêu trên mới chỉ dừng ở việc trao đổi sơ bộ về chủ trương tại cuộc họp song phương giữa hai nước và đang dự thảo báo cáo Bộ Nông nghiệp về kết quả cuộc họp song phương nêu trên.
Khổ vì gà Trung Quốc
Khi được nghe thông tin trên, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Chủ doanh nghiệp chăn nuôi Long Bình, tỏ ra e ngại, vì Trung Quốc được xem là ổ “cúm gia cầm”. Tất cả các chủng loại cúm gia cầm, từ H5N1, H7N9… đều có ở quốc gia này. “Nếu mở cửa giao thương, chúng tôi lo ngại nhất vấn đề dịch bệnh sẽ bùng phát, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi trong nước”, ông Long nói.
Còn ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho hay ngành gia cầm trong nước hiện nay đã khổ vì gia cầm tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc rồi, không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại hợp thức hóa việc nhập khẩu gà thịt từ Trung Quốc.
Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước thậm chí hướng tới xuất khẩu. Số liệu thống kê của Tổng cục thống kê năm 2015 cho thấy, sản xuất gia cầm trong nước đạt trên 900.000 tấn nhưng thực tế, theo đánh giá của các nhà khoa học dựa vào lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi gia cầm trong nước và chu kỳ sản xuất, thì sản lượng gia cầm trong nước đạt trên 2 triệu tấn, tức hơn gấp đôi số liệu thống kê.
Về nhập khẩu, theo công bố của cơ quan chức năng, số lượng nhập khẩu gia cầm năm 2015 khoảng trên 120.000 tấn, tức chỉ chiếm khoảng 6% lượng thịt gia cầm sản xuất trong nước. Nhưng theo con số ước tính không chính thức của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, con số nhập khẩu có thể lên tới trên 2 triệu tấn đến 3 triệu tấn, tức tương đương với lượng sản xuất trong nước mà chủ yếu là chân, cánh và phụ phẩm để tạm nhập tái xuất và có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Ngành gia cầm đã nhiều lần có ý kiến với cơ quan chức năng kiểm tra xem lượng tái xuất đi được là bao nhiêu nhưng không cơ quan nào kiểm tra được. Đối với ngành chăn nuôi gia cầm, con số 120.000 tấn nhập khẩu 2015 không đáng ngại mà ngại nhất là hàng tạm nhập tái xuất và kiểm soát như thế nào”, ông Khanh nói và khẳng định: chính hàng tạm nhập tái xuất này đã gây rối thị trường chăn nuôi gia cầm năm 2015.
Theo ông Khanh, gà Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với gà Trung Quốc về giá cả vì mọi điều kiện sản xuất như thức ăn, con giống, chuồng trại của ta với Trung Quốc là như nhau, thậm chí giá lao động Việt Nam rẻ hơn thì không ngại gì cạnh tranh với gà Trung Quốc cả. Bao nhiêu năm nay gà Trung Quốc vào Việt Nam chỉ là gà loại thải, và phụ phẩm gà, phần mà các nước khác cho gia súc ăn. Còn đối với phân khúc gà thả vườn thì không nước nào cạnh tranh được với Việt Nam cả.
“Vậy Hiệp hội đặt câu hỏi tại sao chưa xử lý được vấn đề tạm nhập tái xuất phụ phẩm gà từ Trung Quốc lại phải nhập thêm gà từ Trung quốc nữa. Đây là câu hỏi ngành thú y cần trả lời”, ông Khanh nói và cho biết thêm: “các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong nước không cần gì khác ngoài sự sự minh bạch, rõ ràng trong chính sách”.
Theo báo thesaigontimes.vn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)