Khuyến khích mở rộng ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học BALASA N01 và Quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tuy nhiên sản phẩm này cũng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và chuyển giao cho hộ nuôi và các địa phương có nhu cầu. Bên cạnh đó, Bộ cũng giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu để tạo ra tập đoàn vi sinh vật hữu ích mới, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chuyên sâu tạo ra nhiều chủng loại men vi sinh và quy trình công nghệ mới phù hợp làm đệm lót sinh học chăn nuôi trong thời gian tới
Ở Việt Nam phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương do còn thiếu quy hoạch chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất những chế phẩm sinh học phù hợp với thị trường Việt Nam và ứng dụng rộng rãi tại các hộ nuôi được coi là một phần quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua chất thải vật nuôi trong nông hộ được xử lý chủ yếu thông qua các biện pháp như: ủ làm phân chuồng theo phương pháp truyền thống; xứ lý bằng công nghệ khí sinh học Biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học…
Tuy nhiên, các phương pháp này chưa thể giải quyết được vấn đề về môi trường, bởi theo tính toán của các chuyên gia, hàng năm tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải vào môi trường khoảng 80 – 85 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một trong những nguồn chất thải lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vùng nông thôn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Trong khi đó, chăn nuôi trang trại dù phần nào đã tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật mới và có nhiều thay đổi đáng kể về giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi và công tác quản lý, nhưng do phân bố không đồng đều và chưa có sự thống nhất về quy hoạch tổng thể. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư cho xử lý chất thải và công nghệ xử lý còn thiếu sự đầu tư nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn.
Với những đặc thù nói trên thì việc phải nghiên cứu tìm ra phương thức phù hợp đối với xử lý môi trường trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được các nước có nền công nghệ vi sinh hiện đại áp dụng từ lâu, tuy nhiên công nghệ này mới bước đầu được áp dụng tại Việt Nam. Việc ứng dụng hệ vi sinh vật được chọn tạo hoặc sản phẩm tách chiết từ chúng vào chăn nuôi cũng như xử lý chất thải sẽ mở ra tiềm năng lớn cho chăn nuôi hữu cơ và thị trường cho sản phẩm chăn nuôi cũng đang ngày càng được quan tâm, mở rộng. Trong các công nghệ áp dụng cho chăn nuôi lợn ở Việt Nam thì công nghệ vi sinh là lĩnh vực được phát triển nhanh và có tính ứng dụng cao. Trên cơ sở chế phẩm EM (vi sinh vật hữu hiệu) của Nhật Bản, Tiến sỹ Lê Khắc Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ Việt – Nhật đã trực tiếp chuyển giao công nghệ này vào Việt Nam.
Dựa trên nghiên cứu gốc, các nghiên cứu mới được bổ sung sau này được thương mại hóa thành các sản phẩm EM chứa nhiều chủng loại vi sinh vật được chọn tạo đã có mặt trên thị trường, gồm cả sản phẩm nhập khẩu và sản xuất nội địa như: EM, BIO.ESM, EMC, VEM, EMINA, MAX.250, BALASA N01, ACTIVE CLEANER… Các chế phẩm trên có hiệu quả khác nhau nhưng đều có một hoặc nhiều tác động lên chăn nuôi lợn như: giảm thiểu mùi hôi từ chất thải và hô hấp từ lợn; tăng cường phân hủy chất thải thành vi sinh hữu cơ, góp phần tăng cường sức đề kháng cho lợn, đồng thời giảm được chi phí trong chăn nuôi.
Trong số những chế phẩm có mặt tại thị trường Việt Nam thì chế phẩm BALASA N01 do cơ sở Minh Tuấn (Hà Nội) sản xuất được người chăn nuôi sử dụng và áp dụng nhiều vào làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn - nguyên Trưởng Bộ môn Thức ăn vi sinh đồng cỏ, khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng trủy sản (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội), người nghiên cứu chế tạo ra loại men vi sinh BALASA N01, chuồng nuôi bằng đệm sinh học không có mùi là do trong men sử dụng nhóm các vi sinh vật, có chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong phân thành chất không mùi. Không chỉ giúp giảm triệt để mùi phân, mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học còn giúp giảm 60% công lao động và chi phí điện bơm nước rửa chuồng, tắm cho đàn lợn và xây hầm biogas.
Qua ứng dụng chế phẩm trong thực tế cho thấy hiệu quả rất đáng kể. Để làm nền xi măng gồm hỗn hợp đá, sỏi và xi măng phải bỏ ra ít nhất 300.000 đồng/m2, trong khi làm đệm lót BALASA N01 chỉ đầu tư 1 lần với 75.000 đồng/kg men cộng với chi phí chất độn là mùn cưa và trấu, chuồng sử dụng đệm lót BALASA N01 giúp tiết kiệm được gần một nửa chi phí ban đầu/m2. Ngoài ra sau khi sử dụng, nguồn phân sinh học từ lớp đệm cũng có thể dùng để chăm sóc cây cối.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện tỉnh Hà Nam đang đứng đầu cả nước về số lượng mô hình, tổng diện tích đệm lót sinh học và chính sách đi kèm khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Từ năm 2010 đến tháng 4/2013, Hà Nam đã xây dựng được 1.120 mô hình với tổng diện tích đệm lót sinh học là 17.750 m2 cho chăn nuôi lợn. Hiện tỉnh đang hỗ trợ 100% chi phí làm đệm lót cho các hộ chăn nuôi áp dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học với mức 165.000 đồng/m2 đối với các hộ làm từ 10m2 trở lên và nuôi từ 5 – 10 con trên một lứa. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn về quy trình, kỹ thuật đối với các hộ nuôi./.
Thông Tin Khác
Trong và Ngoài Nước
CÔNG TY NAVETCO TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2024
1906-2024
Trong và Ngoài Nước
Mối liên hệ mới giữa thay đổi môi trường và sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm
0206-2014
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)